Phân bón giả và kém chất lượng mỗi năm đã gây ra thiệt hại 2,6 tỷ USD, và cuối cùng phần thiệt thòi là ở về phía nông dân.
Đó là thông tin mới nhất được công bố tại một hội nghị về phân bón, do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí vừa được tổ chức.
Tại đây, các chuyên gia, các nhà quản lý và các công ty trong lĩnh vực sản xuất phân bón đã đưa ra những nhận xét, ý kiến về những tác hại của phân bón giả đối với người nông dân, cũng như ảnh hưởng đến những công ty sản xuất trong lĩnh vực phân bón.
Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam chia sẻ, mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 60% nhu cầu phân bón các loại, nhưng nay đáp ứng được đến hơn 80%. Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, cho tới nay, chúng ta đã sản xuất được 8 triệu tấn phân bón, còn lại phần lớn là nhập khẩu.
Bên cạnh những công ty làm ăn kinh doanh chân chính, vẫn còn tồn tại không ít công ty bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo đức, sản xuất ra phân bón kém chất lượng, dù các cơ quan chức năng đã thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử phạt, nhưng cho đến nay, tình hình diễn biến vẫn còn nhiều phức tạp.
Các nhà chuyên môn cho rằng, mỗi năm, Việt Nam có thể bị thiệt hại đến 2,6 tỷ USD, do phân bón giả và kém chất lượng gây ra. Đó là chưa kể đến thiệt hại và hậu quả, do cây trồng không đạt được năng suất, cây bị sâu bệnh tấn công, làm phải tốn thêm kinh phí phòng trị, hóa chất không phải dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đến vấn đề an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến môi trường.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới lý giải, hiện trên thị trường có khoảng 7.000 loại phân bón khác nhau, nên việc phân biệt những sản phẩm này bằng mắt thường rõ ràng là khó có thể thực hiện được.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều như trong thời gian vừa qua.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo, người nông dân nên đến những chỗ uy tín để mua, không ham sản phẩm rẻ, trôi nổi. Khi mua, nông dân nên đòi hỏi sản phẩm phải được bán kèm hóa đơn, chứng minh được nguồn gốc, có giấy xác nhận của đơn vị, cơ sở bán trước khi mang sản phẩm về nhà.
Ngoài ra, người nông dân nên để lại 1kg cho mỗi bao kể cả bao bì, để đề phòng khi bất trắc, sẽ còn có vật chứng để đối chứng, báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền địa phương để làm việc, xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Về lâu, về dài, việc phòng chống phân bón giả cần sự vào cuộc, chung tay quyết liệt của các công ty, đơn vị, cá nhân, và cả của Nhà nước thì mới có thể giải quyết được tình trạng này.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Hồ Văn Thái thì lại cho rằng, các cơ quan chức năng cần giúp người nông dân các thông tin, tuyên truyền kiến thức về phân bón đến bà con nông dân, để người dân có thể nhận biết được sản phẩm khi bán ra thị trường.
Song song đó, có một cách để có thể phân biệt được phân bón thiệt giả bằng cách, bón thử trên rau ăn lá, sau 3 đến 5 ngày, nếu cây rau xanh là phân bón chất lượng, ngược lại, nếu không thay đổi, thậm chí là lá vàng thì sẽ là phân bón giả, kém chất lượng.
Theo Viet Q