Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, toàn thành phố đã có 368 ha diện tích đã gieo mạ, 17.000 ha diện tích đã cày lật đất, diện tích cây vụ Đông đã trồng là 8.800 ha. Các loại cây trồng gồm: ngô, cà chua, khoai tây, rau họ hoa thập tự (rau cải), ớt, dưa chuột, đậu đỗ, bầu bí, hành tỏi. Do thời tiết thuận lợi nên cây vụ Đông sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay nhiều diện tích đã và đang thu hoạch.
Tuy nhiên, trên mạ và các cây vụ đông đã xuất hiện một số loại sinh vật gây hại:
1. Trên mạ:Trên mạ xuân sớm (2 - 3 lá), sâu đục thân 2 chấm xuất hiện rải rác và đẻ trứng, mật độ thấp. Xuất hiện sâu non, sâu cuốn lá nhỏ rải rác.
2. Trên cây vụ đông:
Trên cây cà chua:
- Xuất hiện bệnh héo xanh vi khuẩn: Tỷ lệ hại thường từ 3 - 5%, cao từ 10 - 15% số cây (ví dụ: huyện An Dương), cá biệt có diện tích bị hại 20 - 25% số cây (huyện Tiên Lãng). Tổng diện tích bị hại là 4,5ha.
- Bệnh sương mai, bệnh héo vàng, bệnh xoăn lá vi - rút hại rải rác.
Trên cây khoai tây:
- Bệnh héo xanh gây hại chủ yếu, tỷ lệ bệnh 6- 8,5%, có nơi cao từ 10 - 20% (Vĩnh Bảo, Kiến Thụy). Diện tích nhiễm là 30,14 ha.
Trên cây ớt:
- Xuất hiện bệnh thán thư hại quả, bệnh héo vàng. Trên một số diện tích xuất hiện nhện trắng gây hại.
Trên rau họ thập tự:Các đối tượng gây hại chính bao gồm sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy.
Ngoài ra, chuột là đối tượng chính, gây hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là những diện tích đang thu hoạch như: ngô, cà chua, su hào, súp lơ… Mức độ gây hại nặng hơn so với vụ Đông năm 2014.
Để phòng, trừ các loại sinh vật gây hại trên, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, vệ sinh đồng ruộng, khẩn trương cày lật đất, tiêu hủy gốc rạ, lúa chét. Ngắt ổ trứng sâu đục thân trên mạ để hạn chế thiệt hại do sâu đục thân 2 chấm gây nên.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện những đối tượng sâu, bệnh hại đến ngưỡng cần phòng trừ trên cây vụ Đông, phát hiện và phun thuốc sớm để phòng, trừ một số bệnh như sương mai, thán thư trên cây họ cà bằng các loại thuốc đặc hiệu, như: Dipomate 80WP, Dithane 80WP, Mathane 80WP…
- Những diện tích cà chua, khoai tây bị bệnh héo xanh, cần nhổ bỏ cây bị bệnh và tiêu hủy (phơi khô rồi đốt), tuyệt đối không vứt cây bị bệnh xuống mương nước, kênh tưới… làm lây lan bệnh.
Bên cạnh đó, cần tổ chức diệt chuột, bằng các biện pháp thủ công từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo sản xuất cây vụ Đông thắng lợi.
Nguồn: SoKHCNHaiPhong