Bình Giang: phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại

Trước năm 2006, nền kinh tế huyện Bình Giang chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp, kinh tế - xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn như: Thời tiết diễn biến phức tạp hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài; Dịch bệnh ở người xảy ra trên địa bàn huyện; Bệnh lở mồm long móng ở đàn gia súc, bệnh tai xanh xảy trên đàn lợn và dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát; khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Nhận thức được sự phát triển kinh tế-xã hội gắn với đời sống nhân dân trong huyện, UBND huyện đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó chú trọng tới phát triển nhanh Công nghiệp - thủ công nghiệp và Thương mại - dịch vụ. Kết quả đã đạt được từ năm 2006 đến nay như sau:
Hoạt động của các cụm công nghiệp đạt được hiệu quả cao, có 02 cụm công nghiệp: cụm công nghiệp đường 392 và cụm công nghiệp Nhân Quyền được quy hoạch và phát triển. UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Từ năm 2006 đến nay đã thu hút thêm 19 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn lên 62 đơn vị, thu hút thêm 2.500 người lao động có việc làm mới; Các doanh nghiệp thuê đất đầu tư tại các cụm công nghiệp đã tích cực xây dựng nhà xưởng đi vào sản xuất. Mặc dù bị ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn tích cực đầu tư, mở rộng liên doanh liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất đạt hiệu quả như: Công ty Lắp máy Việt Trung, Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Phát, Công ty Cổ phần Tân Việt. Qua đó góp phần quan trọng vào tốc độ phát triển công nghiệp-thủ xông nghiệp trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp-thủ công nghiệp phát triển nhanh: năm 2006 đạt 117.823 triệu đồng; năm 2010 ước đạt 215.090 triệu đồng,
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19 %. Đến nay, huyện Bình Giang có 4 cụm Công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp 5A., Cụm công nghiệp đường 392. Cụm công nghiệp làng nghề đường 38. Cụm công nghiệp xã Nhân Quyền,; tổng diện tích đất quy hoạch cho thuê đối với 04 cụm công nghiệp là 416,7 ha, thu hút 6.367 lao động.
Do đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng nên hiện nay chỉ có 01 đơn vị vào đầu tư.
Cùng với các cụm công nghiệp trong những năm qua UBND huyện quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả của các làng nghề truyền thống và phát triển nghề mới. Từ năm 2006 đến nay, các hộ gia đình phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề ở các làng, xã tạo thành các điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp với những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ. Thực hiện phương châm bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực ở nông thôn từ 2006 đến nay đã có 5 làng nghề được khôi phục và phát triển mạnh được UBND tỉnh công nhận làng nghề công nghiệp-thủ công nghiệp: Mộc - Như xã Bình Xuyên; Lược - Vạc xã Thái Học; Mộc - Phương Độ xã Hưng Thịnh; Gốm sứ - Cậy xã Long Xuyên; chế tác vàng bạc - Lương Ngọc xã Thúc Kháng. Trong đó số lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp đạt trên 35% so với số hộ hoặc số khẩu của làng, giá trị sản xuất từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở làng chiếm ít nhất 40%, thu nhập bình quân của làng nghề cao hơn thu nhập chung của xã (Mục tiêu của đề án là 4 làng). Các làng nghề sau khi được tỉnh công nhận đã tích cực mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư giữ vững và phát triển nghề.
Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm khuyến công của tỉnh, các địa phương và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác khuyến công. Mở 18 lớp học nghề mới cho trên 1000 người tham gia, làm cơ sở để du nhập nghề mới vào địa bàn huyện như mây song xiên, mây giang đan, thêu zen ở Bình Minh, Hồng Khê, Vĩnh Hồng, Tân Hồng, Tân Việt.
UBND huyện và Ban Chỉ đạo huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tiến hành rà soát hệ thống chợ để từng bước nâng cấp, cải tạo các khu chợ. Khu chợ dân cư phủ xã Thái Học đã được xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đây là một trong những công trình trọng điểm của huyện nằm trong chiến lược phát triển Thương mại Dich vụ. Công trình khu dân cư, chợ Thương mại xã Tráng Liệt đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (lựa chọn nhà thầu), hiện nay nhà thầu đang giải phóng mặt bằng và xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Chợ Nhân Quyền đã được phê duyệt quy hoạch, chưa lưạ chọn nhà thầu. Các địa phương cũng đã rà soát lại hệ thống chợ, bổ sung quy hoạch chung cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Việc thực hiện có hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, hoạt động của các làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới, xây dựng và cải tạo trên địa bàn huyện đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ của huyện hàng năm (từ năm 2006-2010 giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng bình quân 11%), tăng giá trị sản xuất công nghiệp-thủ công nghiệp, giảm giá trị sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt.

Nguyễn Thị Thuận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây