Cần tăng cường phát triển đội ngũ KHCN trong lĩnh vực môi trường

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng tại hội thảo chuyên đề về đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực môi trường chiều 10/12.
Cần tăng cường phát triển đội ngũ KHCN trong lĩnh vực môi trường
Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường giữ vị trí và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc các giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường.
Trong số các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường chiếm tỷ lệ khá lớn về đội ngũ cán bộ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực môi trường. Hiện nay, Tổng cục Môi trường có 18 đơn vị trực thuộc với 585 cán bộ, trong đó có 02 Phó Giáo sư, 32 Tiến sĩ, 225 Thạc sỹ và 272 đại học, 54 Cử nhân Cao đẳng và Trung cấp.
Trong những năm vừa qua, bên cạnh việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, ngành môi trường đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. Hàng năm, ngành môi trường đã tham gia trung bình 50 khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho 500 - 1000 lượt.
Ngoài ra, thông qua các chương trình, đề án, dự án hợp tác với nước ngoài, hàng năm đã tổ chức được nhiều lớp nghiệp vụ quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn trong nước và cử hàng trăm lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước, qua đó tiếp cận với phương pháp quản lý, khoa học công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức quản lý môi trường ở các cấp địa phương cũng được chú trọng và được sự quan tâm của của các cấp chính quyền.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, công tác đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho công chức ngành môi trường vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập: số lượng công chức được đào tạo còn khiêm tốn; số lượng công chức mới được tuyển dụng khá lớn và yêu cầu về nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức của đội ngũ công chức, viên chức rất cao; kinh phí đào tạo còn hạn chế; cơ sở vật chất, điều kiện, phương pháp đào tạo, giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tiến tới “kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường”, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường, bao gồm từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, chế tạo thiết bị đến cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng tài nguyên.
Cần xây dựng được định hướng trọng tâm các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường trên cơ sở thực tiễn về hoạt động tái chế, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển của các lĩnh vực này trong giai đoạn từ 2010 tới 2025 và tham khảo các dự báo về xu hướng phát triển công nghệ môi trường trên thế giới.
Bên cạnh đó, do tiềm năng và nhu cầu về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường trong thời gian tới là rất lớn nên đòi hỏi nguồn nhân lực tham gia phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và nước ta trở thành một nước công nghiệp.
Nguồn: vea (ngày 11/12)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây