Sẽ làm sạch biển bằng công nghệ Nhật Bản?

 

GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết, bên cạnh khả năng tự làm sạch của biển, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất phương án làm sạch biển bằng công nghệ.

Sẽ làm sạch biển bằng công nghệ Nhật Bản?

Biển đã an toàn sao phải dùng công nghệ làm sạch biển là câu hỏi được nhiều người đặt ra với các nhà khoa học. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, phần lớn môi trường biển miền Trung đã an toàn nhưng không được như trước khi xảy ra sự cố.

Biển an toàn nhưng không sạch như trước

Kết quả phân tích các mẫu nước tầng mặt, tầng đáy, tầng giữa cũng như trầm tích đáy biển của dự án cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, tại 3 khu vực cách bờ 1,5 km gồm khu vực Sơn Dương - Hà Tĩnh (khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, hàm lượng phenol và xyanua (hai độc tố gây ra sự cố cá chết) đã giảm 90% nên biển đã an toàn, cá con bắt đầu xuất hiện và các thông số khác nói chung đều giảm theo thời gian. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá mới khẳng định được chính xác thời điểm biển khôi phục như xưa.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, mặc dù môi trường biển đã tương đối an toàn (ngoại trừ ba vùng xoáy trên) nhưng hệ sinh thái biển của miền Trung đã bị tàn phá nặng nề và mất nhiều thời gian để khôi phục. Kết quả phân tích 3.156 mẫu vật được thu thập thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển, thực vật ngập mặn và rong cỏ biển cùng với hình ảnh và video quay dưới nước cho thấy, trong tháng 4 và 5/2016, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt.

Điển hình là khu vực rạn Hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh (điểm đầu), tỷ lệ san hô chết cao nhất khoảng 90%, Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (điểm cuối), tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%. Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp, thấp nhất là Hòn Sơn Dương, Hòn Nồm.

Đến giai đoạn tháng 6 và 7/2016, hiện tượng san hô bị tẩy trắng mới dừng, hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, san hô phát triển rất chậm nên để rạn san hô khôi phục như trước khi xảy ra sự cố sẽ mất nhiều thời gian, có thể vài chục năm.

Vì vậy, theo GS Mai Trọng Nhuận, trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo các nhà khoa học sẽ đề xuất phương án làm sạch biển bằng công nghệ bên cạnh khả năng  tự làm sạch của biển. Ở giai đoạn này, trên cơ sở kết quả giai đoạn 1, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi khả năng tự làm sạch của tự nhiên và những khả năng can thiệp của con người để tìm giải pháp công nghệ tối ưu cho việc làm sạch môi trường và khôi phục hệ  sinh thái.

Có thể áp dụng công nghệ của Nhật

Về công nghệ làm sạch biển, GS Nhuận cho biết, giải pháp quan trọng đầu tiên mà Bộ TN&MT đang làm là giám sát chặt chẽ nguồn thải từ nhà máy Formosa. Ngoài ra còn đánh giá định lượng khả năng làm sạch tự nhiên đồng thời phải có can thiệp của giải pháp công nghệ.

Theo GS Nhuận, Việt Nam chưa  bao giờ triển khai việc này nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu áp dụng hệ thống công nghệ xử lý bùn biển của Nhật Bản. Họ có công nghệ hút bùn nhưng không phát tán độc tố, không hủy diệt hệ sinh thái. Bùn hút lên sẽ được xử lý sạch độc tố, đảm bảo hết ô nhiễm rồi bồi hoàn trở lại đáy biển. Giá tại Nhật Bản là 500 USD/m3. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng, công nghệ này khi áp dụng ở ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.

nguồn: vietq.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây