Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số sông thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang diễn ra phổ biến do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra một số sông còn chịu ô nhiễm từ các nguồn ô nhiễm của các tỉnh khác chảy qua như sông Kim Sơn, thị trấn Sặt còn tiếp nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm của thành phố Hà Nội chảy qua tỉnh Hưng Yên về Hải Dương, sông Cửu An (huyện Thanh Miện) tiếp nhận nước sông Cầu Lường đang có dấu hiệu ô nhiễm của tỉnh Hưng Yên. Một số ao, hồ, kênh mương thuộc các đô thị, nông thôn bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, canh tác nông nghiệp, nước rỉ rác thải tại các bãi rác. Đặc biệt là các ao hồ, kênh mương tại khu vực thành phố Hải Dương và các làng nghề.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 35 cụm công nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.543,9 ha, trong đó có 31 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số cơ sở thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp là khoảng 296 cơ sở. Do không có chủ đầu tư hạ tầng nên các nguồn phải phát sinh do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong cụm công nghiệp tự xử lý cục bộ tại cơ sở mình và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại được các doanh nghiệp tự ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển và xử lý.
Đối với các cơ sở có nguồn xả thải lớn mặc dù đã đầu tư các công trình, biện pháp xử lý môi trường nhưng một số cơ sở công tác kiểm tra giám sát, duy tu bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, thiết bị xử lý môi trường chưa thực hiện thường xuyên nên quá trình vận hành không ổn định dẫn đến hiệu quả xử lý môi trường chưa đảm bảo, vẫn để xảy ra sự cố môi trường gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Huyện Kinh Môn là một huyện tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng nhất của tỉnh Hải Dương như sản xuất xi măng, sắt thép, luyện kim, khai thác khoáng sản…Do tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng, mặc dù các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc đầu tư các công trình, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng những năm gần đây môi trường của huyện Kinh Môn đã có dấu hiệu ô nhiễm đặc biệt là môi trường không khí.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn:
Môi trường không khí: Nhìn chung môi trường không khí ở khu vực nông thôn của tỉnh chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm cục bộ đã xuất hiện tại một số khu vực. Nguyên nhân do sinh hoạt của con người, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, các hộ cá thể trong khu dân cư sử dụng hóa chất, dung môi, tái chế chất thải. Bên cạnh đó, tình trạng người dân phơi và đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, tình trạng đốt rác thải tại các bãi rác làm ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.
Môi trường nước: Tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay, nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được xử lý mà đều thải trực tiếp ra các ao hồ, kênh mương trong làng hoặc ngấm tự nhiên xuống đất. Nước thải của các hộ sản xuất cá thể trong làng nghề, chăn nuôi thải trực tiếp đã góp phần làm cho chất lượng nước của các ao hồ tiếp nhận suy giảm mạnh. Ở các hệ thống kênh mương nội đồng nguồn nước thường bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học do tiếp nhận nước từ các ruộng canh tác lúa vào gây ảnh hưởng đến chất lượng nước và đặc biệt ở những nơi có trạm khai thác nước để xử lý nước thải sinh hoạt thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn.
Chất thải rắn sinh hoạt: Phương pháp xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chủ yếu là chôn lấp, trong đó các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh là những bãi chôn lấp được UBND tỉnh đầu tư xây dựng, còn lại hầu hết các bãi chôn lấp do UBND xã quy hoạch và các bãi chôn lấp tự phát không được xây dựng và vận hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến ô nhiễm môi trường; một số địa phương không quy hoạch được bãi chôn lấp nên đã hình thành các bãi rác tự phát. Chất thải từ sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom và xử lý đúng quy định tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn.
Ngoài ra thực hiện chủ trương của nhà nước, tỉnh Hải Dương đã triển khai sát sao tình trạng đốt gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 93/165 lò gạch đã dừng hoạt động, còn 72/165 lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động nên đôi khi vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do khói lò gạch làm thiệt hại hoa màu của người dân.
Hiện nay tỉnh Hải Dương có 1 đô thị loại II là thành phố Hải Dương, 1 đô thị loại III là thị xã Chí Linh, 1 đô thị loại IV: thị trấn Kinh Môn và 10 đô thị loại V. Riêng thành phố Hải Dương cơ bản đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom xử lý nước thải và chất thải rắn tập trung, còn lại các đô thị mới, các khu dân cư tập hầu như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo đúng Giấy phép xây dựng; việc kiểm tra giám sát trước khi thi công và sau khi hoàn công chưa được chặt chẽ; một số khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy hoạch không có quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; một số khu đô thị có hệ thống gom, xử lý nước thải nhưng không đảm bảo quy chuẩn môi trường ô nhiễm thủy vực tiếp nhận…
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 21/26 bệnh viện được trang bị lò đốt chất thải rắn y tế đồng bộ - lò Chuwastar của Nhật Bản và có hệ thống xử lý nước thải, còn 5/26 bệnh viện chưa có lò đốt và hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên hiện nay một số lò đốt đã xuống cấp dẫn đến hiệu quả xử lý không cao, xử lý không triệt để, việc trang bị đồng loạt lò đốt rác Chuwastar cho các bệnh viện có thể chưa phù hợp, đặc biệt với những bệnh viện lượng phát sinh chất thải ít nằm gần khu dân cư; hệ thống xử lý nước thải không hiệu quả, chất lượng nước thải ra không đạt quy chuẩn môi trường, một số bệnh viện đường ống dẫn nước bị vỡ nên nước thải bị ngấm xuống đất… gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn phát tán mầm bệnh ra xung quanh.
Hiện nay hệ thống hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường về cơ bản chưa đáp ứng được cho công tác quản lý. Tuy nhiên một số văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời khó khăn cho công tác quản lý như: Chưa có thông tư hướng dẫn về quản lý chất thải thông thường, văn bản hướng dẫn hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động của cơ sở có nguồn thải lớn thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm quan trắc tự động truyền về cơ quan quản lý môi trường; văn bản hướng dẫn lập phương án ứng phó sự cố tràn dầu…Các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được so với yêu cầu; lực lượng làm công tác quản lý môi trường còn mỏng trong khi có nhiều nhiệm vụ mới phát sinh theo các văn bản quy phạm pháp luật mới như quản lý đa dạng sinh học, quản lý môi trường làng nghề…Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn nhiều hạn chế dẫn tới kết quả quản lý môi trường chưa cao. Sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo như công tác bảo vệ môi trường làng nghề có sự chồng chéo giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành công thương; công tác quản lý chất thải răn do ngành tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm nhưng công tác quy hoạch chất thải rắn lại là ngành xây dựng; lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học do 2 ngành tài nguyên và môi trường và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng quản lý…
Việc nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường của một số tổ chức cá nhân, một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa thể hiện trách nhiệm góp sức tham gia bảo vệ môi trường. Việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường; hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có chủ đầu tư và chưa được đầu tư hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay chưa được chú trọng: việc đầu tư các công trình xử lý chất thải còn hạn chế; công tác kiểm soát môi trường định kỳ chưa tuân thủ theo quy định; chưa bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường…vẫn còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác môi trường; chi phí cho việc quản lý và xử lý chất thải cao. Hầu hết các cơ sở không chủ động tìm hiểu, nắm bắt được hết các quy định về bảo vệ môi trường dẫn đến vi phạm hoặc ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, không thường xuyên thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất.
Để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hải Dương tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi rác tập trung cho một số xã chưa có quy hoạch bãi rác, các xã còn lại sẽ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các nhà máy xử lý rác thải theo cụm huyện. Chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Triển khai các chuyên đề để điều tra, đánh gia hiện trạng môi trường các khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trên địa bàn tỉnh để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Tăng cương thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật Bảo vệ môi trường và các quy định của UBND tỉnh, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài không đầu tư cơ sở xử lý đạt Quy chuẩn môi trường cho phép theo tiến độ của UBND tỉnh.
Hải Ninh