Ngày 22/03/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức “Chương trình tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng truyền thông” với sự tham dự của diễn giả PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam.
Tham gia chương trình có TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL); TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ, công chức các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Ông Trần Văn Dư - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông TCĐLCL, Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam phát biểu tại chương trình.
Phát biểu đề dẫn buổi tập huấn, ông Trần Văn Dư cho biết, hoạt động truyền thông có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Tại Tổng cục TCĐLCL, Lãnh đạo Tổng cục cũng đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động này. Theo đó, việc nâng cao kỹ năng truyền thông cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Tổng cục là vấn đề thiết thực và cần được quan tâm đúng mực.
Tại chương trình, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng đã trình bày 3 chuyên đề: Kỹ năng quan hệ với báo giới; Quản trị khủng hoảng trong lĩnh vực báo chí truyền thông; Kỹ năng viết tin bài báo chí. Đây đều là nội dung nhận được sự quan tâm đông đảo của các thành viên tham gia chương trình.
PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Hội Nhà báo Việt Nam là diễn giả tại chương trình.
Về kỹ năng quan hệ với báo giới gồm hai phần: Họp báo và mối quan hệ với báo giới, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết cần nắm bắt tầm quan trọng của việc tổ chức đúng lúc, kịp thời và có hiệu quả các cuộc họp báo như: Tạo ra môi trường thông tin 2 chiều liên tục giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... và các cơ quan báo chí, nhà báo...; Nhất quán hoá và kiểm soát được các thông điệp phát ra bên ngoài; Thu thông tin phản hồi từ các nhóm công chúng một cách nhanh chóng thông qua tiếp cận với nhà báo và các cơ quan truyền thông đại chúng; Giải quyết các mâu thuẫn bên ngoài và bên trong, phòng ngừa sự cố, khủng hoảng...; Là phương pháp quan trọng để giải quyết sự cố và khủng hoảng...; Là phương tiện quan trọng để vận động hành lang và vận động xã hội, quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín...
Tiếp theo, với một số kỹ năng cơ bản trong quan hệ với báo giới, PGS. Hằng cho hay, cần lên kế hoạch trước khi muốn truyền thông một vấn đề. Sau đó là soạn thảo, biên tập các loại báo cáo, thư mời, bài phát biểu, diễn văn chào mừng, tài liệu phát tay, thông cáo báo chí, sách nhỏ,...; Các văn bản giải trình, thương lượng… gửi trực tiếp hoặc công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm xử lý khủng hoảng...
Cuối cùng là bước truyền thông, cần chuyển thông điệp trực tiếp thông qua các sự kiện, các hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm...; Thông qua truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm...; Phát biểu, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí... nhằm đạt được kết quả.
Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp trao đổi cùng diễn giả tham gia chương trình tập huấn.
Đông đảo đại biểu tham gia chương trình tập huấn.
Về quản trị khủng hoảng trong lĩnh vực báo chí truyền thông, theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, quản trị khủng hoảng là vấn đề rất quan trọng mà các cá nhân, tổ chức có thể gặp phải bất cứ lúc nào. Việc trang bị kiến thức để xử lý vấn đề cho thấy sự khôn khéo và hiểu biết, giúp chủ thể xoay chuyển tình thế.
Trong đó, quản trị khủng hoảng chính là cách tiếp cận có hệ thống và tổng hợp để kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng khủng hoảng, tình trạng có khả năng gây tác động bất lợi về mặt tài chính hoặc hủy hoại uy tín của tổ chức. Mục đích của quản trị khủng hoảng là kiểm soát được khủng hoảng; Giảm thiểu hoặc ngăn chặn được tác động tiêu cực do khủng hoảng gây ra; Bảo vệ uy tín và hình ảnh của tổ chức.
Về kỹ năng viết tin bài, theo bà Hằng, tin tức trên báo chí là một thể tài phản ánh những sự kiện, sự việc, tình hình có thật, mới xảy ra - đang xảy ra - mới phát hiện thấy, có ý nghĩa quan trọng hoặc có liên quan đến xã hội, theo một đường lối, và cải tạo thực tiễn, bằng hình thức ngắn gọn. Đặc biệt, bài trình bày nhấn mạnh đến đặc trưng cơ bản của thông tin báo chí được thể hiện ở ba điểm cơ bản nhất đó là: Tính xác thực, tiêu biểu - Tính thời sự - Tính định hướng trực tiếp...
Trên cơ sở kiến thức chuyên môn và dẫn chứng trong thực tế, diễn giả Đỗ Thị Thu Hằng đã có những định hướng cho các cán bộ, công chức Tổng cục TCĐLCL những vấn đề cốt yếu trong quan hệ với báo giới; Quản trị khủng hoảng trong lĩnh vực báo chí truyền thông và viết tin bài báo chí.
Chương trình tập huấn còn có phần hỏi đáp, tương tác hai chiều giữa diễn giả và các thành viên tham gia, tạo bầu không khí sôi nổi, không những mang đến những kiến thức thú vị mà còn từng bước nâng cao nhận thức về vai trò của truyền thông trong đời sống xã hội.
Phát biểu bế mạc chương trình tập huấn, TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục nhấn mạnh, buổi tập huấn là sự kiện rất ý nghĩa và thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của các tổ chức, đơn vị, trong đó có Tổng cục TCĐLCL.
Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục hy vọng chương trình tập huấn sẽ giúp cán bộ, công chức từng bước thay đổi nhận thức về công tác truyền thông, cùng tham gia phối hợp, đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại đơn vị, trên cơ sở đó áp dụng hiệu quả vào hoạt động của từng đơn vị, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành TCĐLCL đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước trong tình hình mới.
Nguồn: Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng