Ngày 2.6.2016, bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Nhung, 44 tuổi (Hà Nội) bị Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) được điều trị bằng kỹ thuật trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được ra viện. Đây là trường hợp thứ 6 được cứu sống thành công bằng ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng lại là trường hợp đầu tiên Bệnh viện áp dụng việc rút máy thở của người bệnh trước khi rút ECMO. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ bị bội nhiễm, đồng thời tạo cơ hội cho bệnh nhân thở tự nhiên.
Ngày 18.5.2016, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Nhung được Bệnh viện 19-8 chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp nặng, thở máy nội khí quản, tiên lượng rất xấu, nguy cơ tử vong cao. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO để cứu bệnh nhân. Sau 7 ngày, bệnh nhân đã được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản, sau 8 ngày bệnh nhân đã tự thở không cần sự hỗ trợ của ECMO và 14 ngày sau được ra viện.
ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để kéo máu bệnh nhân ra ngoài, đưa qua màng trao đổi để cung cấp xxy và thải CO2, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân. Đây là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể, đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân có tổn thương chức năng phổi hoặc tim nặng do nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, đây là một trong những kỹ thuật rất khó, có thể gặp những biến cố rủi ro trong quá trình thực hiện như vỡ ống; rối loạn đông máu; tổn thương các mạch máu làm vỡ tế bào hồng cầu, bạch cầu trong máu; phản ứng của mạch máu… nên chỉ áp dụng đối với những bệnh nhân suy đa tạng do bội nhiễm hoặc nhiễm khuẩn đường huyết.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, thông thường một ca ARDS có thời gian điều trị từ 1,5 đến 2 tháng với kinh phí khoảng 300 - 500 triệu đồng và Bảo hiểm y tế chưa thanh toán. Đối với những trường hợp nặng, tổn thương cơ quan nội tạng do mầm bệnh gây nên quá lớn, việc sử dụng ECMO cũng không có tác dụng (khoảng 30% bệnh nhân trên thế giới được cứu sống). Tuy nhiên, nếu áp dụng kỹ thuật chủ động cung cấp oxy vào máu để phổi được nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục tốt hơn, rút ngắn thời gian điều trị và cứu sống được nhiều bệnh nhân bị các bệnh viêm phổi nặng. Đặc biệt là giảm thiểu được các di chứng tổn thương ở phổi và có chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Theo khoahocvacongnghevietnam.com.vn./.