Đề tài “Ứng dụng sinh học phân tử (phản ứng chuỗi polymerase – PCR) trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày ở bệnh nhân nhiểm vi khuẩn Helicobacter pylori(H.pylori) trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương chủ trì thực hiện, TS. Phạm Thị Phượng (VP UBND tỉnh Hải Dương) làm chủ nhiệm và thực hiện trong năm 2015. Với mục tiêu đánh giá thực trạng nhiễm H.pylori và tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn H.pylori trên địa bàn tỉnh; xây dựng và chuyển giao quy trình PCR phát hiện H.pylori nhanh và chính xác; đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát và điều trì hiệu quả căn bệnh này tại BV đa khoa tỉnh Hải Dương.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, các bệnh dạ dày liên quan đến H.pylori đã và đang được điều trị nhờ sử dụng phác đồ chống tiết và kháng sinh. Tuy vậy, trên thực tế các chủng H.pylori kháng thuốc đã xuất hiện, làm giảm hiệu lực diệt trừ của thuốc và do đó nhiều bệnh nhân được điều trị nhưng không khỏi hoặc điều trị không triệt để. Thực tế cũng chưa có một nghiên cứu cụ thể về tình trạng nhiễm H.pylori và khả năng kháng thuốc của H.pylori trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chính vì vậy, BV đa khoa tỉnh Hải Dương thực hiện đề tài nghiên cứu “Ứng dụng sinh học phân tử (phản ứng chuỗi polymerase – PCR) trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm dạ dày ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn pylori trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Để đạt mục tiêu nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện khám lựa chọn 180 bệnh nhân là những người trong độ tuổi từ 18-30, bị viêm dạ dày mạn tỉnh, loét hoặc ung thư dạ dày, không dùng kháng sinh trong thời gian 1 tháng trước khi nội soi. Kết quả đánh giá các yếu tố dịch tễ cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nam mắc bệnh là 54%, bệnh nhân nữ có tỉ lệ thấp hơn (46%); nhóm bệnh nhân tuổi từ 41-50 chiếm tỉ lệ cao nhất (35,7%). Điều ngạc nhiên là các nghiên cứu xác định ở Hải Dương, phụ nữ nhóm tuổi 31-40 có tỉ lệ viêm dạ dày cao nhất (tỉ lệ 36%), nguyên nhân có thể do người phụ nữ phải lao động, sinh nở, nuôi dạy con cái, lo việc gia đình nên việc chăm sóc bản thân chưa tốt, ăn uống thất thường hoặc lao động quá sức dân đễn tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Xét về yếu tố nghề nghiệp, nhóm lao động nông nghiệp có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất (46%), thấp nhất là nhóm lao động thương nghiệp (tỉ lệ 4%). Đa số bệnh nhân mắc bệnh dạ dày sống ở nông thôn (tỉ lệ 73%), ở thành phố (27%). Về tiền sử bệnh, có tới 88% bệnh nhân mắc bệnh có gia đình có tiền sử mắc bệnh dạ dày. Sau khi lựa chọn bệnh nhân.
Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và tách chiết, đánh giá DNA, xác định sự có mặt của vi khuẩn H.pylori; xác định sự có mặt của nấm và các vi khuẩn non-HP trong mẫu sinh thiết dạ dày; xác định đột biến gen kháng sinh của H.pylori. Kết quả cho thấy: mức độ nhiễm vi khuẩn 43,8% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn bằng phân tích trình tự gen 16S rRNA. Mức độ nhiễm nấm: 38,8% bệnh nhân nhiễm nấm bằng phân tích trình tự gen ITS. 32,2% bệnh nhân nhiễm H.pylori bằng phân tích trình tự gen 23S rRNA. Phân tích đột biết gen 23S rRNA cho thấy tỉ lệ kháng kháng sinh Cla là 55,2%. Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và chuyển giao quy trình phát hiện H.pylori dựa trên công nghệ PCR. Quy trình được xây dựng dựa trên các kỹ thuật tách chiết AND hệ gen, kỹ thuật khuếch đại đoạn gen sử dụng cặp mồi đặc hiệu đoạn gen 23S của vi khuẩn H.pylori và kỹ thuật điện di AND để nhận biết đọa gen. Kỹ thuật này là bước tiến trong việc áp dụng các thành tựu sinh học phân tử để chẩn đoán các tác nhân gây bệnh dựa vào việc nhận dạng vật chất di tuyền. Kỹ thuật này cho kết quả nhanh hơn so với việc phân lập và nuôi cấy vi khuẩn H.pylori (vốn là loại vi khuẩn không dễ phân lập) và chính xác hơn so với sàng lọc bằng Test Ureas hiện đang được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện. Toàn bộ quy trình này đã được ban chủ nhiệm đề tài chuyển giao bằng hình thức cầm tay chỉ việc ngay tại phòng thí nghiệm của BV đa khoa tỉnh Hải Dương.
Trước thực trạng nhiễm H.pylori và H.pylori kháng thuốc tại Hải Dương và ảnh hưởng của các yếu tố dịch tễ liên quan, ban chủ nhiệm đề tài có đưa ra một số khuyến cáo như sau: khi có biểu hiện của bệnh đau dạ dày, cần chú ý làm xét nghiệm gen để xác định có bị nhiễm H.pylori hay không, hoặc làm kháng sinh đồ để xác định tình trạng H.pylori đã bị kháng thuốc hay chưa để có phác đồ điều trị và lựa chọn kháng sinh phù hợp và hiệu quả. Không sử dụng lại kháng sinh đã điều trị thất bại trước đó, đặc biệt là Cla (ngoại trừ Amox) vì khả năng kháng thuốc rất cao. Tuân thủ điều trị theo liệu trình. Cần có khuyến cáo về chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong gia đình; hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá trong thời gian sử dụng phác đồ điều trị tiệt trừ H.pylori vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Đây là đề tài nghiên cứu lần đầu tiên tại Hải Dương đưa ra các số liệu đánh giá thực trạng nhiễm H.pylori. Việc thành công trong nghiên cứu phát hiện nhiễm H.pylori bằng PCR sẽ giúp chẩn đoán nhanh và chính xác, tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rõ rệt. Với các kết quả nghiên cứu, đánh giá thành công, đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương nghiệm thu xếp loại: Khá.
Nguyễn Thị Ánh