Các nhà khoa học Mỹ khám phá ra cách thức biến tế bào gốc thành cỗ máy diệt tế bào ung thư. Thử nghiệm bước đầu trên chuột đã cho kết quả khả quan.
Thông tin được công bố trên Tập san Stem Cells là kết quả công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ Bệnh viện đa khoa Massachuset và Viện Tế bào gốc (Đại học Y khoa Harvard). Với kỹ thuật này, tế bào gốc được phát triển có khả năng tiết ra độc tố nhằm vào tế bào ung thư mà không gây hại cho chính mình. Nguy cơ hủy hoại các tế bào bình thường và khỏe mạnh cũng phải được loại trừ.
Trong thử nghiệm trên chuột, tế bào gốc được đưa vào khối u đã bóc tách khỏi cơ thể. Quan sát cho thấy, tế bào ung thư não bị độc tố tiêu diệt mà không có sự “phòng thủ” nào. Bước kế tiếp, các nhà khoa học đang lên kế hoạch thử nghiệm trên chuột mắc u nguyên bào xốp - thể ung thư não nguy hiểm và phổ biến ở người trưởng thành. Thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến tiến hành trong vòng 5 năm nữa.
Đánh giá về kết quả thử nghiệm bước đầu trên động vật, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sỹ Khalid Shah tỏ ra khá lạc quan. “Sau khi thực hiện những phân tích phân tử và theo dõi hình ảnh về ức chế tổng hợp protein bên trong khối u não, chúng tôi nhận thấy, độc tố có thể giết chết tế bào ung thư”, ông nói.
Cũng theo ông, sử dụng độc tố đặc biệt để tiêu diệt ung thư không phải là kỹ thuật mới, với nhiều thành công trong một số loại ung thư máu. Song tác dụng tương tự không đạt được ở những khối u cứng. Tế bào gốc phát triển theo công nghệ di truyền như trên có thể là lối thoát cho tình trạng này.
Kỹ thuật nói trên mới chỉ thử nghiệm trên chuột với tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm. Theo các nhà khoa học, vẫn còn khá nhiều công đoạn cần tiến hành trước khi phương pháp này đi vào thực tiễn mở ra cơ hội sống sót cao hơn cho các bệnh nhân ung thư.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có thêm hơn 14 triệu người mắc ung thư, khoảng 8 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
Theo khoahoc.com.vn