Nấm đầu lâu mùa thu là loại nấm cực độc. Ảnh: kienthuc.net Ngày 7/11, Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị chống độc quốc tế Hà Nội năm 2013 và kỷ niệm 15 năm Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai với sự tham gia của nhiều giáo sư, bác sỹ chuyên ngành hồi sức cấp cứu - chống độc trong nước và một số chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chúc mừng những thành tựu chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc đạt được trong những năm qua, đặc biệt là Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai sau 15 năm thành lập. Thứ trưởng khẳng định hồi sức cấp cứu và chống độc là chuyên ngành quan trọng trong việc cấp cứu và duy trì chức năng sống của người bệnh.
Sự phát triển mạnh mẽ của y học đã giúp chuyên ngành này thực hiện được nhiều kỹ thuật cao (như lọc máu liên tục, dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị tắc mạch não cấp và tắc mạch vành cấp...) giúp cứu sống nhiều trường hợp ngộ độc nặng.
Tại Hội nghị, ngoài tập trung vào các báo cáo khoa học liên quan đến các ngộ độc nặng như: ngộ độc kim loại nặng, rắn độc cắn, độc học lâm sàng... các báo cáo cũng tập trung đến vấn đề an toàn thực phẩm như "Độc học của phụ gia và các chất ô nhiễm thực phẩm" và việc nhận biết các thực vật độc.
Phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Công Minh, Học viện Quân y cho biết theo nghiên cứu "Tình hình ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam" từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong. Nguyên nhân là do tại các tỉnh này có nhiều rừng, đời sống của đồng bào dân tộc gặp nhiều khó khăn; nhiều người dân, nhất là trẻ em không nhận dạng được loài thực vật độc...
Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc; trong đó có 55 người tử vong.
Loài nấm gây ngộ độc nhiều nhất là loài nấm ô tán trắng phiến xanh; tuy nhiên loài nấm này chỉ gây rối loại tiêu hóa, không gây chết người. Có hai loài nấm gây chết người tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam là nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón./.
Nguồn: TTXVN