Người tiêu dùng nên thận trọng khi dùng máy xông hơi. Ảnh minh họa ThS-BS Lê Khắc Bảo cảnh báo: “Việc tự ý dùng máy khí dung tại nhà rất nguy hiểm. Những người có cơ địa dị ứng như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nguyên liệu xông không đúng, liều lượng không phù hợp có thể gây kích ứng và co thắt phế quản.
TS-BS Văn Thế Trung, Bộ môn Da liễu, Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, gần đây BV tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám trong tình trạng da khô nhám, viêm đỏ, có vết sẩn ở mặt, cổ và cả tay, nguyên nhân là do lạm dụng xông hơi.
Đủ chủng loại
Máy xông mũi (khí dung) dùng để hỗ trợ đường thở cho những người mắc các bệnh lý hô hấp, dùng theo sự chỉ định của BS. Tuy nhiên, loại máy này lại được bán đại trà. Khi chúng tôi hỏi mua máy xông khí dung, những người bán tại các cửa hàng thiết bị y tế trên đường Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) nhanh chóng giới thiệu đủ loại máy với nhiều xuất xứ (châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…). Một nhân viên tại cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) khẳng định: “Không bị bệnh vẫn nên dùng, có thể dùng máy xông nước muối sinh lý hàng ngày cho các bé để phòng các bệnh về đường hô hấp”. Máy xông có đủ mức giá, từ 350.000 - 12.300.000đ/máy.
Nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp, thư giãn, thị trường hiện có nhiều loại máy xông mặt, xông tinh dầu, xông hơi tại nhà. Máy xông mặt, tinh dầu có nhiều dạng: máy xông đơn thuần hoặc kèm đèn ion, đèn phun sương, đèn tinh dầu, giá từ 350.000 - 500.000đ/sản phẩm, chủ yếu xuất xứ Trung Quốc.
Rước bệnh vì xông
ThS-BS Lê Khắc Bảo - Phó trưởng khoa Hô hấp, BV Nhân dân Gia Định cho biết: khi xông thuốc bằng máy khí dung, thuốc sẽ được máy đẩy ra tạo thành hạt sương, đi vào đường hô hấp và tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm. Khí dung được chỉ định cho điều trị bệnh đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm xoang…) và dưới (hen suyễn, viêm phế quản mạn). Với mỗi trường hợp bệnh, sẽ có chỉ định máy phun khí dung khác nhau. Với bệnh ở đường hô hấp trên thì hạt khí dung phải lớn, các bệnh đường hô hấp dưới thì hạt khí dung nhỏ. Việc dùng máy không phù hợp sẽ không có kết quả, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
ThS-BS Lê Khắc Bảo cảnh báo: “Việc tự ý dùng máy khí dung tại nhà rất nguy hiểm. Những người có cơ địa dị ứng như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nguyên liệu xông không đúng, liều lượng không phù hợp có thể gây kích ứng và co thắt phế quản. Chưa kể, máy phun khí dung nếu không được hấp, tiệt trùng kỹ, có thể phát tác vi khuẩn, vi-rút, lây lan từ người này sang người khác. Khi xông tinh dầu, mùi hương chính là tác nhân ảnh hưởng mạnh đến đường hô hấp. Mùi hương càng thơm, càng nồng sẽ kích thích bột phát cơn hen, làm cho bệnh viêm xoang dị ứng khó điều trị. Ở trẻ sơ sinh, việc dị ứng với mùi hương, có thể gây tử vong do co thắt đường thở”.
BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, khuyến cáo: niêm mạc mũi của trẻ em dưới sáu tuổi, đặc biệt là dưới hai tuổi, rất dễ bị tổn thương khi gặp những kích thích như hít phải tinh dầu xông có chứa thành phần methol. Trẻ sẽ bị kích ứng mũi, thậm chí lên cơn co giật. Tinh dầu có tính sát trùng, giúp thông đường thở, dịu cơn ho, giảm chất xuất tiết ở phổi, nhưng phải dùng đúng liều lượng. Cần lưu ý, tuyệt đối không dùng tinh dầu xông có chất methol cho trẻ em dưới sáu tuổi, phụ nữ mang thai. Người lớn, nếu lạm dụng cũng sẽ khiến niêm mạc mũi bị khô, tăng nguy cơ viêm mũi.
TS-BS Văn Thế Trung lưu ý thêm: “Lạm dụng xông hơi sẽ làm cho lớp nhờn trên bề mặt da mất đi, khiến da khô, mất nước, dễ bị kích ứng. Những người có cơ địa, tiền sử bị dị ứng, hen suyễn, không nên xông tinh dầu vì sẽ làm cho bệnh thêm nặng”.
Theo Congthuong