Bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

Cứ đến Tết Nguyên đán, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm lại là nỗi lo của người tiêu dùng. Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn, vệ sinh thực phẩm được phát hiện. Nào là nội tạng động vật không nguồn gốc, gà bẩn ùn ùn vượt các cửa khẩu biên giới, cho tới hàng tấn hạt dưa đỏ nhuộm hóa chất được bày bán công khai, rồi sản xuất bánh mứt có dòi bọ, lạp xường bẩn bị phát hiện...  

Thực tế những vụ việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn được phát hiện vừa qua chỉ là một phần rất nhỏ trong số thực phẩm nguy hại dịp giáp Tết. Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2005 cho tới cuối tháng 10-2011, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, làm nhiều người bị chết. Thậm chí, có Tháng hành động an toàn, vệ sinh thực phẩm lại là tháng mất an toàn nhất, với số vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao đột biến.
Kinh doanh, sản xuất thực phẩm được xem là vấn đề nhạy cảm, có tác động lớn tới sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, với mọi người kinh doanh sản xuất đều mong muốn có lãi, nhưng với kiểu sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà thu lợi bằng cách đe dọa tới sức khỏe, tính mạng người khác qua việc buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn là không thể chấp nhận.
Ðể bảo đảm an toàn thực phẩm vào dịp cuối năm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Nhất là phải xử lý thật nghiêm mọi hành vi kinh doanh và sản xuất thực phẩm nguy hại, vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, cần chủ động tự bảo vệ mình, chỉ nên mua và sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
                                                                                                            theo baomoi

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây