Ở Việt Nam, ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước ta đã quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự.
Mỗi thời kỳ, Nhà nước đã ban hành những văn bản về đo lường đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước như:
- Trong thời Pháp thuộc, một sự kiện rất đáng ghi nhớ là ngày 20/1/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân ký Sắc lệnh số 8/SL quy định hệ thống đo lường áp dụng ở nước ta là “mét hệ”. Sắc lệnh 8/SL đã nêu lên và giải quyết đúng đắn nhiều nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về đo lường lúc bấy giờ như đơn vị đo lường hợp pháp, việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, việc xử phạt về đo lường... Có thể nói Sắc lệnh 8/SL được Bác Hồ trực tiếp ký ban hành là nền tảng, là điểm xuất phát tạo nên sự trưởng thành của đo lường và quản lý đo lường ở nước ta như ngày nay.
- Ngày 26-12-1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 186/CP ban hành “Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Đây là sự kế thừa và nâng lên ở một tầm cao mới Sắc lệnh 8/SL. Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước ta ban hành theo Nghị định trên đã được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở Hệ đơn vị quốc tế (SI).Nghị định 186/CP cũng đồng thời quy định việc thiết lập hệ thống “chuẩn gốc” của đơn vị đo lường hợp pháp, quy định các chuẩn được đặt tại Viện đo lường và Tiêu chuẩn thuộc ủy ban Khoa học Nhà nước.
- Năm 1974, Chính phủ tiếp tục ban hành các Nghị định 216/CP, 217/CP về hoạt động đo lường nói chung và đo lường trong các xí nghiệp quốc doanh.
- Bước vào thời kỳ đổi mới, việc xây dựng các văn bản về đo lường có giá trị pháp lý và kỹ thuật cao hơn đã được khẩn trương thực hiện. Tháng 7/1990 Pháp lệnh Đo lường đã được Hội đồng Nhà nước thông qua. Đến năm 1999 Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Đo lường sửa đổi, Pháp lệnh đo lường (1999) được kế thừa những nội dung cơ bản được quy định trong Pháp lệnh đo lường (1990). Tuy nhiên, Pháp lệnh đã đề cập thêm một số lĩnh vực mới như phân biệt rạch ròi giữa kiểm định và hiệu chuẩn; quy định những đối tượng thuộc diện phải kiểm định và hiệu chuẩn, quy định các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ này. Pháp lệnh đo lường (1999) cũng quy định chặt chẽ những vấn đề về quản lý nhập khẩu phương tiện đo; mở rộng hơn quy định về sản xuất phương tiện đo. Mặt khác, đối với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, Pháp lệnh đo lường (1999) không quy định cụ thể, chi tiết như pháp lệnh đo lường (1990) mà "chỉ định" Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đo lường và giao cho Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường các cấp.
- Ngày 28/9/2001, Chính phủ đã ban hành nghị định số 65/2001/NĐ-CP quy định hệ thống đơn vị đo lường hợp pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 06/2002/NĐ-CP ngày 14/01/2002 quy định chi tiết Pháp lệnh Đo lường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng lưu ý nêu trên, hệ thống đo lường của nước ta cũng bộc lộ rõ những bất cập không nhỏ mà một trong những nguyên nhân của những bất cập trong hoạt động đo lường là do các cơ chế, chính sách và pháp luật về đo lường của nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Cụ thể như sau:
- Các quy định hiện hành (gồm Pháp lệnh Đo lường năm 1999 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành) chưa bao quát toàn bộ lĩnh vực đo lường mà mới chỉ tập trung điều chỉnh một số vấn đề cơ bản nhất của đo lường (đơn vị đo lường pháp định và chuẩn đo lường; kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo; hàng đóng gói sẵn theo định lượng; sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo).
- Các quy định về xây dựng, quản lý hệ thống chuẩn đo lường, liên kết chuẩn đo lường vẫn còn những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
- Chưa tách bạch được hoạt động dịch vụ kỹ thuật về đo lường với công tác quản lý nhà nước về đo lường.
- Chưa quy định đầy đủ các biện pháp kiểm soát đo lường để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
- Chưa có các quy định chi tiết, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến đo lường.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các hoạt động đo lường nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngày 11 tháng 11 năm 2011, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ hai đã thông qua Luật Đo lường số 04/2011/QH13 gồm 58 điều, được chia thành 9 chương.
Luật Đo lường đã được kế thừa những nội dung cơ bản được quy định trong Pháp lệnh đo lường (1999). Tuy nhiên, Luật Đo lường đã đề cập, bổ sung thêm một số nội dung mới như sau:
- So với Pháp lệnh năm 1999, Luật đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đồng thời quy định rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các hoạt động đo lường pháp định mà bao quát các hoạt động đo lường khác, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân, trong hoạt động đo lường. Luật còn quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về đo lường như sau:
Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các yêu cầu về đo lường đối với chuẩn quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển nguồn nhân lực về đo lường;
Đẩy mạnh xã hội hoá đối với các hoạt động đo lường như: Thiết lập và duy trì chuẩn đo lường; Kiểm định hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường; Đào tạo tư vấn nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.
Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động đo lường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về đo lường.
Khuyến khích tổ chức cá nhân sử dụng đơn vị đo pháp định để thay thế đơn vị đo khác; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong các hoạt động đo lường phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên sử dụng tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được công nhận, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phục vụ quản lý nhà nước về đo lường.
- Luật Đo lường đổi tên đơn vị đo hợp pháp thành đơn vị đo pháp định cho chính xác; quy rõ về phạm vi áp dụng đơn vị đo pháp định; quy định về sử dụng chuyển đổi đơn vị đo khác sang đơn vị đo pháp định; Bổ sung quy định yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường; sửa đổi bổ sung quy định chuẩn chính chuẩn công tác; quy định rõ biện pháp quản lý đo lường đối với chuẩn chính chuẩn công tác.
- Quy định việc phân loại phương tiện đo, yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo; yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 1 và phương tiện đo nhóm 2 (Việc phân định giữa phương tiện đo nhóm 1 với các phương tiện đo nhóm 2 dựa trên mục đích sử dụng chúng nhằm bảo đảm tính chính xác của đo lường và đảm bảo công bằng khi chúng được sử dụng để thiết lập mối quan hệ giữa các bên liên quan trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường, thanh tra kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những vấn đề được tổ chức đo lường pháp quyền quốc tế (OIML) cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều tổ chức khác hết sức quan tâm).
- Quy định rõ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm là hoạt động dịch vụ kỹ thuật;
- Phân định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bắt buộc để phục vụ quản lý nhà nước về đo lường với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tự nguyện phục vụ yêu cầu về đo lường của tổ chức cá nhân; Bổ sung nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Sửa đổi, bổ sung quy định về tên gọi và điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
- Phân định phép đo thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2) quy định tất cả các phép đo đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản. Bổ sung yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 1 để đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định. Quy định yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm yêu cầu quản lý theo quy định của pháp luật.
- Phân hàng đóng gói sẵn thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2) quy định tất cả hàng gói sẵn đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về lượng của hàng gói sẵn. Bổ sung yêu cầu về đo lường đối với hàng gói sẵn nhóm 1 để đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định. Quy định yêu cầu về đo lường đối với hàng gói sẵn nhóm 2 làm căn cứ bảo đảm yêu cầu quản lý theo quy định của pháp luật; Quy định về dấu định lượng; điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn.
- Luật Đo lường đã quy định rõ và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thành một Chương riêng chứ không để phân tán trong các chương của Pháp lệnh đo lường 1999.
- Việc quy định về Kiểm tra nhà nước về đo lường đã được đưa vào trong Luật như: đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường; nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường; trình tự, thủ tục kiểm tra; hình thức kiểm tra; cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường; xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường; kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường.
- Việc quy định thanh tra về đo lường; đối tượng và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đo lường; xử lý vi phạm pháp luật về đo lường đã quy định rõ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đo lường.
- Quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp này.
- Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 được thể hiện như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường.
Riêng Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước về đo lường đối với các hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Quy định rõ nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) trong việc tổ chức thực hiện các quy định về đo lường của Nhà nước tại địa phương.
Phạm Ngọc Long
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng