Kiểm định phương tiện đo cân thông dụng dùng trong kinh doanh tại chợ Yên Bình, Yên Bái. (Ảnh Thanh Sơn) Cho đến nay chưa có thống kê, đánh giá những hậu quả hay tác hại gây ra từ những phương tiện đo không được kiểm định.
Với chủ đề “Đo lường trong cuộc sống hàng ngày”, lễ kỷ niệm Ngày Đo lường thế giới diễn vừa được ra sáng nay (17/5) tại Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Khánh Xuân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho biết, số lượng phương tiện đo hiện dùng ở Việt Nam trong lĩnh vực đo lường trong đời sống đã lên đến hàng chục triệu. Tuy nhiên việc kiểm định định kỳ các phương tiện đo này còn là vấn đề mà các cơ quan đo lường ở trung ương cũng như địa phương băn khoăn do chưa thực hiện được đầy đủ theo yêu cầu.
“Ở các tỉnh, thành phố, số lượng phương tiện đo được kiểm định trung bình chỉ bằng 75 -80% so với số lượng các phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định. Địa phương có tỷ lệ cao nhất về công việc này cũng chỉ đạt 85 -90%”, ông Xuân cho biết.
Như vậy, tính trong cả nước vẫn còn hàng triệu phương tiện đo phải kiểm định mà không được kiểm định. “Cho đến nay chưa có thống kê, đánh giá những hậu quả hay tác hại gây ra từ những phương tiện đo không được kiểm định này”, ông Xuân nói.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc không được kiểm định thường rơi vào các phương tiện đo sử dụng ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn mà các cơ quan đo lường ở địa phương chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để với tới được.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp người sở hữu và sử dụng phương tiện đo không tự giác đăng ký và đưa phương tiện đo đi kiểm định. Đó là chưa kể các trường hợp cố tình gian lận để trục lợi gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thời gian gần đây cũng ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến việc gian lận về khối lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra về đo lường trong dịp đầu năm 2013 của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho thấy, có tới 39/138 cơ sở vi phạm về đo lường trong khi đó vi phạm về chất lượng là 28/138 cơ sở.
Gần đây nhất trong đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện ra nhiều trường hợp gắn chip điều chỉnh đồng hồ tính cước với thủ đoạn mới rất tinh vi là sử dụng điện thoại để gian lận cước. Trước đó, cũng nhiều vụ việc gian lận cước taxi cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện.
Bên cạnh đó, tình trạng cân điêu, cân thiếu tại các chợ vẫn xảy ra thường xuyên, khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Vừa qua, dư luận lại thêm một phen bàng hoàng khi được chứng kiến những “lò” độ cân, sản xuất cân gian để móc túi khách hàng trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Cân nhỏ thì ăn gian vài lạng, cân lớn thì ăn gian vài kilogam. Đủ các mánh lới để chế cân, độ cân đã được thực hiện không ngoài mục đích lừa đảo khách hàng.
Đề cập đến vấn đề thanh tra, kiểm tra về đo lường cũng như những định hướng về công tác quản lý ông Xuân cho biết, do còn những khó khăn về nhân lực và những lý do khách quan khác nên vẫn chưa có biện pháp kỹ thuật hữu hiệu nào để ngăn chặn các hành vi gian lận trong đo lường hàng ngày.
“Sắp tới chúng tôi sẽ bổ sung hoàn chỉnh danh mục phương tiện đo nhóm 2- chủ yếu là accs phương tiện đo sử dụng trong đời sống hàng ngày, các quy định, quy chế về phê duyệt mẫu, về kiểm định phương tiện đo, quy chế về kiểm tra đo lường đối với phương tiện đo, việc thực hiện các phép đo và kiểm tra hàng đóng gói sẵn…”, ông Xuân cho biết.
Luật Đo lường năm 2011 đã quy định về việc quản lý các phương tiện đo và các phép đo sử dụng trong đời sống hàng ngày với các biện pháp chủ yếu sau: |
Theo VietQ.vn