Theo ông Thiền, Việt Nam hiện có rất ít nhà máy sản xuất đồng hồ nước đạt chuẩn. Hiện chỉ có 2-3 nhà máy sản xuất đồng hồ nước nhưng tính ổn định về mặt chất lượng, độ chính xác chưa được người tiêu dùng chấp nhận.
Phần lớn đồng hồ nước đang sử dụng được nhập từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... nhưng chất lượng không thống nhất, thậm chí tuổi thọ của các loại đồng hồ cũng khác nhau
Ông Lý Chung Dân, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho rằng qua thời gian sử dụng, đồng hồ nước không thể giữ tình trạng hoạt động như ban đầu mà sẽ phát sinh sai số. Tuy nhiên, quy trình kiểm định đồng hồ đo nước không quy định điều này. Mỗi lần khách hàng khiếu nại đồng hồ chạy không chính xác, việc xác định sai số cho phép để làm cơ sở giải quyết khiếu nại rất phức tạp, khó khăn và gây tranh cãi.
Những bất cập liên quan đến việc quản lý đồng hồ nước được đại diện của nhiều đơn vị cấp nước ở một số tỉnh thành cho rằng gây bất tiện, đôi khi lãng phí cho ngành nước.
Ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Huế cho biết theo Nghị định 117/2007 của Chính phủ, ngành nước phải có trách nhiệm trang bị đồng hồ nước cho người dân, chi phí lắp đặt 1 đồng hồ nước khoảng 1,5 triệu đồng. Thế nhưng quy định sau 5 năm phải thay đồng loạt hàng trăm ngàn đồng hồ (dù vẫn còn chạy tốt) sẽ gây lãng phí cho ngành nước.
Lời trần tình của các đơn vị cấp nước được ghi nhận. Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng nói sẽ xem xét lại chu kỳ kiểm định 5 năm sao cho hợp lý.
"Tuy nhiên, khi người dân có thắc mắc, khiếu nại thì ngành nước và các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm giải thích cặn kẽ, chi tiết cho người dân tường tận. Đảm bảo lợi ích ngành nước nhưng không để người dân bị thiệt"- ông Vinh nhấn mạnh.
Thái Phương