Đo lường phục vụ sản xuất và đời sống.

Hoạt động quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh ta được khởi đầu bằng việc thành lập phòng đo lường thuộc Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Hưng vào tháng 4 năm 1969. Lĩnh vực đo lường khối lượng và đo lường dung tích được đầu tư, triển khai đầu tiên để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân lúc bấy giờ.
Ngay từ khi triển khai hoạt động quản lý đo lường đầu tiên trên địa bàn thị xã Hải Dương, Công tác đo lường đã ghi dấu ấn quan trọng khẳng định tầm quan trọng của quản lý đo lường đối với sản xuất và đời sống nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các quy định của pháp luật trong đo lường, cũng như thúc đẩy hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn các loại cân dùng trong các cửa hàng lương thực, thực phẩm, các loại cân lớn tại các bến cảng kho tàng, các xi téc ô tô... góp phần hạn chế các sai sót, tranh chấp trong giao nhận, mua bán lúc bấy giờ.
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội trong tỉnh, hoạt động kiểm định phương tiện đo ngày càng lớn mạnh từ chỗ chỉ có khả năng kiểm định phương tiện đo trong hai lĩnh vực khối lượng và dung tích, đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã được công nhận khả năng kiểm định trên bốn lĩnh vực: khối lượng, thể tích, áp lưc và điện. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Chi cục đã kiểm định được trên 200.000 phương tiện đo các loại. Điều đặc biệt là hoạt động kiểm định gần như không dựa vào biên chế nhà nước, 20 kiểm định viên hợp đồng lao động được đảm bảo lương bởi nguồn thu phí kiểm định.
Ngoài hoạt động kiểm định phương tiên đo, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã triển khai các hoạt động đo lường khác hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội như: phối hợp với Chi nhánh xăng dầu Hải Dương, Xí nghiệp xăng dầu A318 (trước đây) triển khai hợp đồng đảm bảo đo lường tại các cửa hàng xăng dâu của các đơn vị này; đảm bảo đo lường cho các cân đối chứng tại các huyện, thành phố; triển khai đề án thử nghiệm mô hình trạm đo lường cấp huyện...
Trong thực tế công tác đo lường những năm qua còn làm bật lên mối quan hệ mật thiết, hiệu quả giữa các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn hỗ trợ các chủ phương tiện đo tuân thủ các quy đinh pháp luật về đo lường, hơn thế nữa, việc tiếp cận các đối tượng quản lý trong quá trình kiểm định là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật. Chỉ tính riêng lĩnh vực kiểm định công tơ điện, hàng năm cũng phải tiếp cận tới trên 4 vạn lượt đối tượng sử dụng phương tiện đo ở hầu khắp các thôn, xã trong tỉnh và nhận thức sử dụng công tơ điện là phải qua kiểm định không còn xa lạ với đại đa số dân quê. Cũng thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn và hoạt động thanh tra, kiểm tra mà nắm rõ được thực trạng làm cơ sở cho các đề suất nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đo lường.
Có thể nói hoạt động quản lý đo lường trong những năm qua đã hướng về phục vụ cơ sở, phục vụ nhân dân và đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian tới với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp và sự phấn đấu nỗ lực sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trực tiếp trong hoạt động quản lý đo lường chắc chắn sự nghiệp đo lường sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Nguyễn Quang Hùng

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây