Tránh dòng rò khi dây điện chôn ngầm trong tường

Khu vực nóng từ dưới lòng đất. Hiện tượng dây điện ngầm dưới đất bị rò làm sàn nhà nóng đã khiến nhiều người dân lo lắng khi chôn dây điện ngầm trong nhà. Những hướng dẫn về cách phát hiện và xử lý rò điện của các chuyên gia sẽ giúp các gia đình tránh ảnh hướng sức khoẻ và tổn hao điện.
Tránh dòng rò khi dây điện chôn ngầm trong tường
Hy hữu nhưng cần xử lý nhanh
Những ngày gần đây, thông tin về việc gạch dưới nền nhà ông Chung Đức Nhàn (nhà số 48 Tuần Phủ Đạt, khu phố 1, phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) bỗng dưng nóng 700C đã gây xôn xao trong dư luận. Các nhà khoa học thuộc Phòng Khoáng sản của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang khảo sát và kết luận: Nền nhà nóng là do một cáp điện chôn sâu dưới đất ở đó bị chạm mạch.
Trước sự việc này, PGS.TS Lê Văn Doanh, Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng Bách Khoa Hà Nội cho hay, trường hợp dây điện chôn âm dưới đất bị rò và làm nóng sàn nhà là rất hy hữu, dây điện có bộ phận cách nhiệt tốt. Đây là công trình ngầm thì việc thi công xử lý sự cố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tuy nhiên không thể không làm. Nếu để càng lâu khả năng thất thoát điện sẽ càng lớn, vừa tốn tiền điện, vừa nguy hiểm, bởi dòng rò có thể truyền qua người gây giật điện. Nguy cơ chạm chập cũng sẽ có thể xảy ra trên diện rộng hơn. Nhiệt độ cao đến 700C như vậy chắc chắn gây hiện tượng đánh lửa nghiêm trọng và gây nguy cơ chập cháy.

Theo ThS Dương Minh Trí, Phòng Điện tử ứng dụng, Phân viện Vật lý TPHCM,  cần phân biệt nhiễu điện trường và nhiễu từ trường để tránh gây hoang mang trong dân. Điện từ trường là những bức xạ vô hình  phát sinh từ kỹ thuật vô tuyến điện và việc truyền tải điện năng có ở các thiết bị như hệ thống lưới điện 50Hz ngoài trời và trong nhà, điện thoại không dây, điện thoại di động, các cột, các trạm thu phát điện thoại di động...
Trong khi đó, bất cứ nơi nào có nguồn điện, có mặt điện tích là có mặt điện trường: ổ cắm điện, màn hình máy tính, ti vi... Nhiễu điện trường và nhiễu từ trường có thể có mặt cùng một lúc. Thông thường nhiễu từ trường mạnh mẽ hơn nhiễu điện trường nhỏ vì nó xuất hiện đa dạng và thường xuyên hơn.
Phát hiện rò điện khi chôn ngầm tường
Báo KH&ĐS mới đây cũng ghi nhận trường hợp anh Nguyễn Văn Mạnh, Gia Lâm, Hà Nội cũng phản ánh, có một khoảng tường nhỏ trong nhà anh bị nóng ấm lên bất thường. Sau khi kiểm tra cũng phát hiện dây điện chôn ngầm trong tường bị hở.
Đối với các trường hợp này, PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng, đây cũng là tình trạng tương tự hiện tượng nóng sàn nhà do chập điện. Dòng điện sẽ rò ra và làm tường nóng lên. Nguyên nhân chập có thể do khi chôn, lớp vỏ bọc phía ngoài chưa tốt, lâu ngày tường ẩm ướt sẽ khiến vỏ bọc bị hỏng sinh ra chập, rò điện.
Khi gặp hiện tượng này cần chú ý các yếu tố như dòng điện mất ổn định, chỗ dây điện bị chập nóng ấm lên bất thường và công tơ điện thể hiện tiêu tốn nhiều điện năng. Đối với các trường hợp này, các chuyên gia khuyên cần cắt điện và sửa chữa ngay nhằm tránh nguy cơ điện giật cũng như hao tổn điện. Đồng thời, khi làm hệ thống dây âm tường cần chú ý đến tiết diện dây, chất lượng để đảm bảo an toàn.
Đối với đường dây điện, cáp đi ngầm trong tường phải chọn loại dây có 3 lớp cách điện. Lớp trong cùng cách điện các sợi với nhau, lớp giữa chống rò rỉ điện, lớp ngoài cùng cách điện tường với dây điện. Dây điện ngầm tường phải chọn dây ruột nhiều sợi để có độ dẻo ở các vị trí thay đổi hướng đi, bảng điện. Trường hợp trong công trình có đường dây điện và dây cáp thông tin, ăngten cùng đi ngầm phải đảm bảo các điều kiện sau để xem hình ảnh, tiếng được nét, không bị nhiễu: Tuyệt đối không đi chung trong máng điện trong 1 ống ghen mà phải đi tách ra để tránh nhiễu. Đầu các hộp nối dây cáp, ăngten nên chọn giắc cắm bằng đồng để có độ tiếp xúc tốt.

                                                                                          Theo kienthuc.net.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây