Bảo đảm hàng hoá chất lượng cao là giải pháp cơ bản đẩy lùi hàng giả

Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2016) do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 30/11.
Bảo đảm hàng hoá chất lượng cao là giải pháp cơ bản đẩy lùi hàng giả
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hoá thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái hằng năm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp đối với cuộc đấu tranh phòng, chống hàng giả trong bối cảnh nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, quy mô sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hoá ngày càng lớn với sự cạnh tranh gay gắt.
Chính phủ rất thấu hiểu, chia sẻ và ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp với những khó khăn của mình trước tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay. Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm gắn với phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam.
Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, các doanh nghiệp, các lực lượng thực thi đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn, kiểm tra việc buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như quá trình xây dựng, bảo vệ thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Do đó, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và Hiệp hội cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác này.
Chính phủ đang tập trung xây dựng theo hướng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta phải hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm, vì doanh nghiệp và người dân để phục vụ.
Để công tác này ngày càng hiệu quả, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý đầy đủ, vững chắc để thuận lợi cho thực thi nhiệm vụ.
Tình hình hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp, có trách nhiệm từ công tác quản lý Nhà nước, lãnh đạo của ngành chức năng, thực thi pháp luật và của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu trong cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan thực thi cần chỉ đạo và thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ... ngày càng hiệu quả, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
“Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng đến chất lượng của vật nuôi, cây trồng, làm cho cuộc sống của người nông dân vốn đã khó khăn càng thêm điêu đứng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng này, không để hàng kém chất lượng, có tồn dư chất độc hại được nhập khẩu bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu tuồn vào Việt Nam. Đồng thời, trong nội địa cần kiểm soát, không để các mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tập trung phá cho được những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, nhất là nhóm hàng giả ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước. Các cơ quan cần kiểm tra đúng đối tượng nhưng không được hách dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, trong sản xuất kinh doanh, trước hết doanh nghiệp phải bảo đảm hàng hoá, sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, cải tiến kỹ thuật, hạ giá thành… Đây chính là giải pháp cơ bản để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi, nhất là giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu nhập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong phát hiện và xử lý vi phạm.
Đối với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội tích cực vận động hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và toàn xã hội. Hiệp hội cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, xây dựng và phát động chương trình toàn xã hội tích cực tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác này.
Tích cực góp ý, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách và biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu.
 Báo cáo của Hiệp hội cho biết hiện nay nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nền kinh tế nước ta đứng trước nhiều thách thức, nhất là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả, từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thuỷ sản, các loại hàng sắt, tôn lợp, vật liệu xây dựng các loại, rượu bia, nước giải khát, đồ chơi…
Tình hình trên đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhiều bức xúc, đòi hỏi phải hành động cấp thiết trước vấn nạn này.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội cũng đề nghị các lực lượng thực thi cần thường xuyên chăm lo đời sống cán bộ, kiểm tra nội bộ, khắc phục và phát hiện các tiêu cực, nâng cao hơn nữa trong kiểm tra, tạo lòng tin với doanh nghiệp và người dân trong công tác này.
                                                                                        (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay54,035
  • Tháng hiện tại1,263,006
  • Tổng lượt truy cập3,968,210
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây