Theo tin từ Bộ Công Thương, từ 15/3/2017 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã đồng loạt ra quân, tập trung vào các cơ sở được thuê gia công - điểm nóng về phân bón kém chất lượng.
Theo ước tính của Cục QLTT (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Đặc biệt, "ma trận" chủng loại khiến thị trường tồn tại không chỉ phân bón giả mà phổ biến hơn cả là phân bón kém chất lượng, tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng dinh dưỡng theo đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Chính vì thế, trong đợt ra quân lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ rõ: Lực lượng QLTT phải xác định trọng tâm, trọng điểm kiểm tra để có phương thức hành động phù hợp.
Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Đã thống nhất với toàn bộ đơn vị trong lực lượng ở đợt kiểm tra thứ nhất (từ ngày 15/3-15/4) tập trung kiểm tra các doanh nghiệp gia công sản xuất phân bón vô cơ. Đây thường là những cơ sở nhỏ lẻ, nhà kho, xưởng ít đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn. Ngay trong đợt 1, kiểm tra toàn bộ số doanh nghiệp để bảo đảm chuyển biến trong môi trường sản xuất, kinh doanh phân bón - làm cơ sở đánh giá thực trạng tình hình và kết quả đạt được trong công tác quản lý, hỗ trợ trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân sản xuất gia công phân bón để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý việc sản xuất gia công kinh doanh tiêu thụ phân bón.
Theo danh sách của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp được cấp phép gia công phân công bón vô cơ. Ngay sau 2 tuần ra quân, Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 19 vụ, đang xử lý 15 vụ. Qua kiểm tra thực tế, đại điện Chi cục QLTT Hà Nội đánh giá, vẫn đang tồn tại một số hành vi vi phạm như để lẫn nguyên liệu với thành phẩm, chưa bổ sung địa điểm kinh doanh, sản phẩm không công bố hợp quy... Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu các sản phẩm phân bón của từng cơ sở để giám định chất lượng.
Quyết liệt trong vấn đề này, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT khẳng định, không chỉ Hà Nội mà tất cả các đơn vị QLTT đang ráo riết thực hiện kiểm tra, kiểm soát để có kết quả sớm nhất. Sau khi có kết quả, lực lượng QLTT sẽ công khai danh tính chất lượng của từng cơ sở, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng kém chất lượng để người dân được biết, hạn chế tối đa việc sử dụng những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Theo vietq.vn