Thời gian gần đây, qua kiểm nghiệm, cơ quan chức năng đã phát hiện trong đồ chơi rất bắt mắt trẻ con có lượng cadimi (Cd) gấp 123 lần mức cho phép theo tiêu chuẩn an toàn đồ chơi do Bộ khoa học - công nghệ nước ta ban hành. Điều rất đáng quan tâm là trước vụ đồ chơi trẻ có chứa Cd được phát hiện không lâu đã có các thông tin về ngộ độc chì ở trẻ do tiếp xúc với sản phẩm có dư lượng chì quá cao.
Cadimi có tên khoa học là cadmium, ký hiệu là Cd, là một nguyên tố vô cơ, nhóm kim loại nặng, trong đó cùng với chì, thủy ngân (cũng là kim loại nặng) là các độc chất thuộc loại độc nhất đối với cơ thể con người. Trong cuộc sống, Cd được dùng trong sản xuất pin, ắc quy, dùng mạ kim loại. Vì Cd khi tạo các hợp chất cho màu sắc đẹp khác nhau, như Cd sulfid cho màu vàng, Cd selenid cho màu đỏ, Cd oxid cho màu nâu..., mà các hợp chất Cd còn được dùng làm phẩm màu trong sản xuất sơn. Do Cd rất độc, độc gấp nhiều lần so với chì, mà người ta quy định Cd không chứa quá giới hạn cho phép trong môi trường, đặc biệt trong các sản phẩm có dùng các hợp chất chứa độc chất này.
Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, tức lớp sơn phủ đồ chơi không được chứa quá 60 microgram Cd trong một kg lớp sơn phủ đó. Trong sơn phủ của lồng đèn nhựa mà báo chí đưa tin cao hơn gấp 123 lần mức cho phép, tức là chứa đến 7.390 microgram/kg Cd là quá cao. Trẻ con tiếp xúc với đồ chơi này lâu ngày sẽ bị ngộ độc Cd. Cd có thể có trong không khí do sản xuất sản phẩm mà Cd có thể phát tán dạng bụi mù (lưu ý trong khói thuốc lá có chứa Cd tuy lượng rất nhỏ) mà các nước có quy định mức cho phép Cd trong không khí không quá 50 microgram/m3.
Trẻ con khi chơi đồ chơi không chỉ sờ, nắm mà còn hay liếm, cắn, ngậm chắc chắn sẽ hấp thu độc chất nếu đồ chơi đó chứa độc chất. Ngày nay, người ta đã xác định tác hại của Cd khi Cd xâm nhiễm vào cơ thể người. Cd là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai thì làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.
Tốt nhất là không để trẻ tiếp xúc và để bị xâm nhiễm Cd vào trong cơ thể. Nếu trẻ lỡ tiếp xúc với Cd và độc chất này đã xâm nhiễm thì không thể loại trừ chúng ra khỏi cơ thể để trẻ không bị tác hại. Nếu bị ngộ độc Cd, có một số triệu chứng giúp nhận biết như mệt mỏi, nhức đầu, ói mửa, thiếu máu, mất vị giác, rối loạn chức năng thận..., nhưng đối với trẻ thì thật khó nhận biết vì chúng chưa có khả năng mô tả. Khi đã bị ngộ độc Cd chỉ có thể trị các triệu chứng của rối loạn chứ không có thuốc chữa trị ngộ độc Cd đặc hiệu. Vì vậy, tốt nhất là đừng để Cd có điều kiện tiếp xúc, xâm nhiễm làm hại trẻ.
Trước vụ đồ chơi trẻ có chứa Cd được phát hiện thì đã có các thông tin về ngộ độc chì do tiếp xúc với sản phẩm có dư lượng chì quá cao cho trẻ là đối tượng rất dễ bị nhiễm độc chì. Vì vậy, xin có ý kiến, các cơ quan quản lý chức năng nước ta rất cần thường xuyên kiểm tra đồ chơi trẻ con và kể cả dụng cụ đồ dùng sinh hoạt như ly thủy tinh, đồ nhựa chén bát... in hình màu mè sặc sỡ đang lưu hành xem có đạt tiêu chuẩn không được chứa độc chất Cd và cả chì quá giới hạn cho phép hay không. Riêng đối với các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ không để trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt. Cần có sự nghi ngờ đồ chơi cho trẻ càng có nhiều màu sắc “bắt mắt” càng có nguy cơ chứa chất phủ là độc chất của Cd và chì. Trẻ chơi đồ chơi bị nghi ngờ ấy không thu nhiều về sự giải trí và giáo dục mà chỉ có hại do không quản lý tốt về chất lượng.
Theo khoahocphothong.com.vn