Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng soạn thảo sắp được ban hành trong đó quy định khá cụ thể việc quản lý đối với từng loại đồ chơi. Cụ thể, sẽ quy định thêm các yêu cầu về an toàn cơ lý hay chống cháy đối với đồ chơi trẻ em, quy định chất lỏng có thể tiếp xúc được chứa trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Các chi tiết vải có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em không được chứa formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30mg/kg; các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em không được chứa formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg/kg. Đối với các loại đồ chơi dùng điện, quy chuẩn quy định không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không có bộ phận nào của đồ chơi có điện áp danh định vượt quá 24V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có khả năng gây điện giật và các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ để ngăn ngừa rủi ro điện giật.
Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy, đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy và trước khi đưa ra thị trường cả đồ chơi trong nước sản xuất hăy nhập khẩu đều phải được gắn dấu hợp quy.
Hơn 80% đồ chơi trẻ em trên toàn thế giới có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nên chẳng lạ khi đồ chơi trẻ em tại Việt Nam có đến 90% là sản phẩm "made in China". Nhưng vấn đề ở chỗ, với các hàng rào kỹ thuật kiểm tra an toàn - chất lượng khắt khe của các nhà nhập khẩu có thương hiệu toàn cầu như Lego, Clemy, Kidsprice và của nước nhập khẩu (nhất là châu Âu và Mỹ) thì trẻ em nước họ chơi các sản phẩm an toàn. Còn ở Việt Nam, trẻ em phải gánh chịu mọi độc hại từ các hoá chất, độc tố từ đồ chơi do lỗ hổng của quản lý nhà nước và sự thiếu trách nhiệm của các nhà sản xuất,kinh doanh.
Một chuyên gia của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) cho biết: đồ chơi trẻ em trên thị trường hơn 90% là hàng nhập không qua kiểm tra. Theo qui định nhà nước, đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi nhập từ nước ngoài phải qua kiểm tra độc tố, kim loại nặng, ô nhiễm... Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 3 triệu đồ chơi trẻ em bán ra thị trường, nhưng theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, năm 2008, tổng số đồ chơi được đăng ký kiểm tra chất lượng chỉ có 1.030 lô hàng. Tất cả các lô hàng đồ chơi này đều đạt chất lượng nhập khẩu theo TCVN 6238-3-1997, trong đó 180 lô đạt yêu cầu về chất lượng và ghi nhãn, 801 lô đạt chất lượng nhưng không thống kê về ghi nhãn, 49 lô đạt về chất lượng nhưng không ghi nhãn phụ. Trong tổng số 1.030 lô đồ chơi trẻ em nhập khẩu, có 904 lô có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 87,77%).
Có thể nói, việc quản lý chất lượng an toàn các sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường chưa được siết chặt, mặc dù Việt Nam từ lâu đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn như TCVN 5682- 1992 hay TCVN 6238-1:1997 về an toàn đồ chơi trẻ em - yêu cầu cơ lý; TCVN 9503-41 về các loại thú nhồi bông; TCVN 6238-3:1997 về an toàn đồ chơi trẻ em - yêu cầu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố. Theo qui định, việc kiểm tra đồ chơi nhập khẩu phải thực hiện theo một trong hai phương thức: thử nghiệm lô hàng hoá; sử dụng kết quả giám định chất lượng hoặc chứng nhận chất lượng của tổ chức nước ngoài được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thừa nhận.