Ngày 12/7, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH).
Tham dự Hội thảo có ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục và đông đảo đại biểu từ các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, qua 15 năm thực hiện quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên, sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ trước đến sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành đầy đủ.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và quá trình sử dụng), cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) từ cấp địa phương đến Trung ương.
Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.
Cũng theo Thứ trưởng, qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi, hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP, EVFTA, RCEP. Việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các thông lệ quốc tế còn chưa được triển khai triệt để. Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa phát sinh trong thực tế.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc tách biệt giữa hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động dịch vụ kỹ thuật - hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm định chất lượng, công nhận) chưa thực sự minh bạch dẫn đến sự chồng chéo, vướng mắc và tạo rào cản trong xuất nhập khẩu hàng hóa, không tận dụng được tối đa nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mặc dù là hoạt động giải thưởng duy nhất quy định ở cấp Nghị định và do Thủ tướng Chính phủ trao tặng tuy nhiên chưa thực sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị của giải thưởng. Hoạt động mã số, mã vạch chưa phát huy tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu mã số, mã vạch, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai mã số mã vạch cho doanh nghiệp.
“Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi việc đặt sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam là trọng tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh với vai trò kiến tạo của Chính phủ.
Ngược lại, việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cũng được thể hiện thông qua sự cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được bảo đảm và bảo vệ. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ nhu cầu khác nhau của nhân dân. Sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn được kiểm soát, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”, Thứ trưởng bày tỏ.
Căn cứ Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, tại Phụ lục Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; căn cứ Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội, Hội và các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ KH&CN.
Phiên thảo luận do ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN và bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy chủ trì.
Tai hội thảo, báo cáo tổng kết thi hành Luật CLSPHH, ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Luật CLSPHH giúp cho hoạt động quản lý chất lượng đi vào nề nếp, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, Luật CLSPHH đã phân công trách nhiệm quản lý chất lượng Bộ, ngành; Quản lý SPHH nhóm 2 bằng QCVN, giúp quản lý thống nhất, bảo đảm sức khoẻ, vệ sinh, môi trường; Quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH): đăng ký, chỉ định; Tách bạch giữa hoạt động kiểm tra và hoạt động ĐGSPH; Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng SPHH; GTCLQG để tôn vinh các doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm về chất lượng SPHH sản xuất, nhập khẩu; Kiểm soát được SPHH sản xuất, nhập khẩu; Thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng (Công bố TCAD, CNHC, CNHQ, CBHC, CBHQ, áp dụng HTQL) để nâng cao chất lượng SPHH, uy tín, thương hiệu; GTCLQG là công cụ góp phần nâng cao NSCL; Áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc;
Đối với người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp; được bồi thường thiệt hại do hàng hoá không bảo đảm chất lượng; được lựa chọn SPHH có chất lượng, bảo đảm an toàn...
Cũng theo ông Hải, bên cạnh thuận lợi cũng có những vướng mắc khó khăn như: Hạ tầng chất lượng Quốc gia (NQI): Tiêu chuẩn, Đo lường, Đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận); chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII), thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế, tăng trưởng bền vững; Xác định SPHH nhóm 2: chưa đầy đủ QCVN để quản lý, mã HS, sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời với nhu cầu quản lý...; Kiểm tra chất lượng SPHH: chồng chéo (hiệu suất năng lượng, kiểm tra chất lượng); Đội ngũ kiểm sát viên chất lượng còn hạn chế; năng lực thử nghiệm, chứng nhận; chưa theo Luật CLSPHH, NĐ 74....; Nội dung về quản lý chất lượng SPHH dựa trên ứng dụng MSMV; Hoạt động ĐGSPH: thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định giữa các Bộ, ngành; thử nghiệm trọng tài; các tổ chức ĐGSPH tập trung ở các thành phố lớn; chưa xã hội hoá theo chủ trương của CP, TTg; hoạt động đào tạo giám định viên, thử nghiệm viên, kiểm định viên...; Kiểm soát viên chất lượng: đội ngũ còn hạn chế, việc bổ nhiệm chưa được quan tâm, hoạt động đào tạo, quyền xử lý vi phạm hành chính, 50% đoàn kiểm tra là KSVCL...; Thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP; GTCLQG; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng; thống nhất giữa Luật TCQCKT và Luật CLSPHH; quy định về phí, lệ phí; xử lý VPHC; quản lý chất lượng trong thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy.
Chia sẻ về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy cho hay, đánh giá tác động chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Chất lượng SPHH có 7 chính sách bao gồm: Sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH; Quy định về quản lý chất lượng SPHH dựa trên ứng dụng MSMV; Sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động ĐGSPH; Sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng; Thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP; Quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Sửa đổi, bổ sung các nội dung khác.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã có phần chia sẻ, giải đáp thắc mắc, khó khăn từ đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, qua ý kiến góp ý của các đại biểu có thể thấy sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội trong xã hội. Vì vậy, có thể thấy phạm vi của Luật CLSPHH rất rộng trong bối cảnh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hiện nay.
Cũng theo Thứ trưởng, sửa đổi Luật CLSPHH phải tiếp cận theo luật khung để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc đồng bộ trong hệ thống quản lý nhà nước.
Hội thảo được đông đảo tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng bày tỏ, việc hoàn thiện 7 nhóm chính sách trong Luật CLSPHH cần dày công nghiên cứu, đặc biệt việc đánh giá tác động cần làm kỹ càng hơn, thậm chí ở những bước tiếp theo cần có những tập mẫu đánh giá riêng theo từng khía cạnh, từng chính sách.
Vấn đề thứ hai, do sửa Luật sau 15 năm nên đồng bộ chính sách với các Luật khác sẽ là vấn đề rất kỹ. Vấn đề thứ ba, không phải lúc nào cũng được sửa Luật và sửa được Luật, chính vì vậy đây là cơ hội để chúng ta đóng góp trí tuệ, công sức cho sự phát triển của đất nước qua việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời phát triển bền vững đất nước, đảm bảo sức khỏe người dân qua biện pháp quản lý.
Nguồn: Tạp chí Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)