Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt theo nghị định 176 của Chính phủ. Trong đó, hành vi không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Hành vi sản xuất mỹ phẩm không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á hoặc có chất cấm… sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.
Ngoài ra, những cá nhân, tổ chức kinh doanh mỹ phẩm khi chưa thực hiện công bố sản phẩm sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu hoặc 10-20 triệu đồng tùy theo tổng giá trị lô hàng vi phạm. Tất cả sản phẩm vi phạm sẽ bị buộc tiêu hủy.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, mỹ phẩm ở nước ta phần lớn theo thống kê không đạt tiêu chuẩn, có loại làm trá hình, hết hạn. Ngoài ra, mỹ phẩm không được bảo quản trong điều kiện đúng tiêu chuẩn, bán ngoài đường phố, cửa hàng không có điều hòa, phơi nắng, để dưới tác động của môi trường… chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Hầu như tháng nào khoa cũng tiếp nhận các ca dị ứng mỹ phẩm. Nhẹ thì chỉ sẩn ngứa vùng da bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng; nặng hơn thì có thể gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi thành phản ứng toàn thân.
Người tiêu dùng được khuyến cáo sử dụng mỹ phẩm đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng loại. Mỹ phẩm cũng là một loại hóa chất, có thể gây dị ứng. Sản phẩm chính hãng chất lượng cao cũng có thể gây dị ứng nhưng mỹ phẩm rởm, chất lượng kém thì còn gây dị ứng nặng nề hơn.
(Theo Vnexpress)