Theo định nghĩa của tiêu chuẩn ISO 9001:2005, Quản lý chất lượng là " hoạt động tương tác và phối hợp lẫn nhau nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng". Hoạt động quản lý chất lượng bao gồm việc thiết lập chính sách và mục tiêu chất lượng; hoạch định chất lượng; kiểm soát chất lượng; đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.
Công tác quản lý chất lượng ở đây được đề cập đến hai chủ thể, đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gọi tắt là doanh nghiệp và Nhà nước. Hoạt động quản lý chất lượng của doanh nghiệp là một hoạt động từ A đến Z, từ đầu vào đến đầu ra, từ việc xác định quy mô đầu tư, đối tượng, chủng loại sản phẩm, hàng hóa và đối tượng khách hàng, cũng như chiến lược bán hàng... Trong khi đó hoạt động quản lý chất lượng của Nhà nước còn được gọi là quản lý Nhà nước về chất lượng chỉ thực hiện một số khâu nhất định trong quá trình quản lý chất lượng nói chung theo một số nguyên tắc sau:
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa, Nhà nước có biện pháp cụ thể để quản lý và tập trung chủ yếu vào việc bảo đẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường.
Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng theo nguyên tắc hậu kiểm và xã hội hóa.
Hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Các yếu tố chất lượng không liên quan đến an toàn được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp mà chỉ tạo ra sân chơi bình đẳng, công bằng.
Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch; khách quan; không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phù hợp với thông lệ quốc tế; thuận lợi hóa thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của mình.
Hoạt động hoạch định chất lượng có thể gồm nhiều yếu tố:
Xây dựng chính sách, chiến lược và mục tiêu chất lượng quốc gia thông qua việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm,hàng hóa; Xác định các yêu cầu quản lý chất lượng đối tượng sản phẩm. hàng hóa, dịch vụ cụ thể (sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn, an ninh, môi trường và sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh...) để xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm. hàng hóa đó; Quy định cơ chế, trách nhiệm, nguồn lực và cơ chế quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng thông qua việc áp dụng các hình thức đánh giá sự phù hợp như thử nghiệm, giám định, chứng nhận, công bố sự phù hợp, thừa nhận và công nhận để đảm bảo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật kỹ thuật tương ứng được áp dụng đúng đối tượng và nghiêm túc.
Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng; xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, các biện pháp thích hợp để xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đảm bảo pháp luật được thực thi, hành vi vi phạm không được tái diễn.
Hoạt động kiểm soát chất lượng là một phần của công tác quản lý chất lượng mà tập trung chính vào việc làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đã được đặt ra.
Quy định tiêu chí, điều kiện của tổ chức đánh giá sự phù hợp và các biện pháp quản lý các tổ chức này; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư đặc biệt đối với hoạt động thử nghiệm và nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp; khuyến khích thừa nhận đánh giá sự phù hợp; Quy định các phương thức đánh giá sự phù hợp được tin cậy, đồng thời thúc đẩy việc cải tiến chất lượng của doanh nghiệp; Áp dụng các yêu cầu đặc thù trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ đối với những sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn hoặc đòi hỏi chất lượng cao;... Xây dựng chính sách thích hợp để thúc đẩy, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng;
Thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp; tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Hoạt động đảm bảo chất lượng nhằm cung cấp cho cho các đối tượng liên quan bao gồm cả người tiêu dùng trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý chất lượng của các quốc gia khác nhau tin tưởng rằng các yêu cầu về chất lượng được đáp ứng và có thể bao gồm một số nội dung sau:
Minh bạch các thông tin, cơ chế và cách thức quản lý chất lượng của các quốc gia thông qua việc hình thành và thực hiện hệ thống hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT để tạo lòng tin của khách hàng trong nước, quốc tế và các nền kinh tế khác; Thông tin rộng rãi các vấn đề liên quan đến xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và kết quả đánh giá sự phù hợp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...; Thông tin đầy đủ và chính xác về những thiệt hại, tồn tại, yếu kém liên quan đến việc không đảm bảo cam kết về chất lượng để tạo lòng tin rằng những bất cập đang được kiểm soát, điều chỉnh; Các thông tin liên quan đến năng lực, lĩnh vực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp để tạo sự tin tưởng vào kết quả đánh giá sự phù hợp; Thông qua kịp thời và đúng mức về kết quả thanh tra, kiểm tra và tình trạng chất lượng đối với mọi sản phẩm, hàng hóa đang có vấn đề về chất lượng.
Tùy theo mỗi quốc gia, hoạt động cải tiến chất lượng có thể bao gồm các hạot động sau: Xây dựng và thực hiện các chính sách thích hợp để tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở lấy chất lượng làm nền tảng của thương hiệu, khuyến khích sản xuất phát triển trên cơ sở hướng tới cải tiến chất lượng; Thông tin, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức xã hội, nhà sản xuất và người tiêu dùng về việc quản lý chất lượng; Thông tin, giới thiệu và đào tạo về công nghệ, phương thức quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới.
Cần tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài về một thị trường cạnh tranh lành mạnh, không có sự phân biệt đối xử hoặc không công bằng của Nhà nước, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư của Việt kiều về nước; Tạo được lòng tin cho khách hàng ở các nền kinh tế khác nhau, các nhà nhập khẩu nước ngoài về uy tín và cam kết chất lượng của hàng hóa Việt Nam, góp phần làm cho hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập các thị trường lớn và khó tính; Thuận lợi hóa thương mại thông qua việc các thủ tục đánh giá sự phù hợp của Việt Nam được thừa nhận quốc tế, thực hiện khẩu hiệu hội nhập về chất lượng " một lần đánh giá, cấp một chứng chỉ, có giá trị ở mọi nơi". Qua đó, thuận lợi hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, góp phần làm cho quá trình giao dịch thương mại và vận tải quốc tế qua các cửa khẩu của Việt Nam và quốc tế trở nên năng động và hiệu quả hơn; Làm cơ sở cho việc thừa nhận song phương và đa phương về kết quả đánh giá sự phù hợp, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí thử nghiệm trong giao thương quốc tế, góp phần làm hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; Nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và vị thế của sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Th.s Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL