Đóng góp của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế - Nỗ lực tiến tới một tương lai bền vững

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu này sẽ cần sự hợp tác của tư nhân và cộng đồng, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp.

Đóng góp của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế - Nỗ lực tiến tới một tương lai bền vững

Tổng quan về “Các mục tiêu phát triển bền vững”

“Phát triển bền vững” được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm “Chiến lược bảo tồn Thế giới” công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".

Năm 2012, Mục tiêu phát triển bền vững (Viết tắt “The Sustainable Development Goals”- SDGs) được ra đời tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững ở Rio de Janeiro. Tháng 12 năm 2015, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc với hơn 193 nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua và cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) nhằm đáp ứng những thách thức cấp bách về môi trường, chính trị và kinh tế mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt. 

Liên Hợp Quốc xác định 17 SDGs là cốt lõi trong kế hoạch xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn vào năm 2030. Các SDGs đóng vai trò là một kế hoạch chung cho tất cả các quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo, kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo tồn môi trường và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác,

công lý và thịnh vượng. 

Các SDGs thiết lập chương trình phát triển toàn cầu đến năm 2030 với các mục đích rõ ràng và các chỉ tiêu có thể đo lường được để xác định tiến độ cho từng mục tiêu. Các SDGs có thể được xem như một công cụ giúp các quốc gia phân bổ nguồn lực, xác định các ưu tiên và cho phép thay đổi.

Đóng góp của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu này sẽ cần sự hợp tác của tư nhân và cộng đồng, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp.

Ngày nay điện, điện tử và công nghệ thông tin chạm đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống trên trái đất. Điện là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội, đóng vai trò là sợi chỉ vàng trong tất cả các SDGs và xa hơn nữa là sự phát triển của mọi quốc gia và nền kinh tế. Hoạt động tiêu chuẩn hóa chính là trọng tâm để đạt được sự đồng thuận toàn cầu về công nghệ điện và điện tử liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả, khả năng tồn tại lâu dài của cơ sở hạ tầng với chi phí thấp và an toàn cho người lao động, dân cư và môi trường. 

Từ năm 2016, IEC đã xác định việc tiêu chuẩn hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ nhằm đóng góp cho SDGs. Tiêu chuẩn IEC thể hiện sự đồng thuận toàn cầu về phương pháp luận, quy trình và thông số kỹ thuật nhằm cung cấp nền tảng cho phép các quốc gia và ngành công nghiệp áp dụng, thiết kế và lắp đặt các công nghệ bền vững.

Theo quan điểm công nghệ, SDGs là hệ thống có nhiều hệ thống con. IEC tập trung vào công nghệ và hầu hết các công nghệ có liên quan đến nhiều SDG. Ví dụ, các công nghệ động cơ được tìm thấy trong mọi thứ, từ tủ lạnh đến máy điều hòa không khí, tạo năng lượng, thiết bị y tế, ứng dụng công nghiệp, giao thông vận tải, v.v. Tiêu chuẩn IEC 60034-1 Rotating electrical machines - Part 1: Rating and performance do Ban kỹ thuật IEC TC2 Máy điện quay xây dựng, có thể được liệt kê trong hàng triệu ứng dụng/công nghệ và theo cách này hay cách khác có liên quan đến hầu hết các SDG. Động cơ tiết kiệm năng lượng là một trong những cách quan trọng nhất để giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2 (SDG 13 Hành động vì khí hậu).

Các giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới đã trở thành một thành phần quan trọng trong việc giúp các hộ gia đình tiếp cận điện năng. Cùng hợp tác với Tổ chức Ánh sáng Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, IEC đã công bố IEC TS 62257-9-8 Năng lượng tái tạo và hệ thống hybrid cho điện khí hóa nông thôn - Yêu cầu đối với các sản phẩm năng lượng tái tạo độc lập có mức công suất nhỏ hơn hoặc bằng 350 W, để đảm bảo rằng các sản phẩm năng lượng mặt trời không nối lưới đáp ứng yêu cầu về an toàn và hiệu suất tối thiểu. IEC TS 62257-9-8 Khuyến nghị về năng lượng tái tạo và hệ thống hybrid cho điện khí hóa nông thôn, thiết lập các yêu cầu cơ bản về chất lượng và độ bền của các sản phẩm năng lượng tái tạo độc lập. Nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm không đủ chất lượng. Các tiêu chuẩn này được xây dựng bởi ban kỹ thuật TC 82 Hệ thống quang điện mặt trời, tập trung vào điện khí hóa nông thôn (SDG7 Năng lượng sạch và giá thành hợp lý). Công việc của IEC là công việc phía sau nhưng rất cần thiết.

Trong 50 năm qua, thống kê cho thấy dân số toàn cầu đã tiêu thụ số lượng hàng hóa và dịch vụ hơn tổng cộng tất cả các thế hệ trước gộp lại. Điều này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người nhưng ở chiều hướng ngược lại nó đang tác động tiêu cực đến môi trường. Kể từ khi thành lập năm 2004, ban kỹ thuật IEC TC 111 Tiêu chuẩn hóa môi trường đối với các hệ thống và sản phẩm điện và điện tử  đã công bố một số tiêu chuẩn quốc tế quan trọng liên quan đến môi trường (SDG 12: Tiêu thụ và sản xuất bền vững). Trong đó, IEC 62474 quy định các yêu cầu về việc công bố các chất và vật liệu có trong các sản phẩm điện, điện tử. Một tiêu chuẩn quan trọng khác do IEC TC 111 xây dựng là IEC 62430 cung cấp các hướng dẫn để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của thiết bị trong suốt vòng đời của chúng. Tiêu chuẩn này định nghĩa thiết kế có ý thức về môi trường cho tất cả các sản phẩm điện và điện tử, ví dụ như vật liệu nào được sử dụng, lượng năng lượng tiêu thụ để sản xuất chúng, cũng như tốc độ tái chế của chúng.

Các tiêu chuẩn quốc tế IEC luôn được các chuyên gia kỹ thuật áp dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và chứng nhận, lắp đặt, bảo trì hoặc sửa chữa. Theo một cách nào đó, chúng cho phép chất lượng và an toàn được tích hợp vào các sản phẩm ngay từ giai đoạn đầu.

Hiện nay, các mục tiêu phát triển bền vững ngày càng được công chúng và chính phủ quan tâm do đó các công ty, các nhà sản xuất đã có các sáng kiến ​​tập trung phát triển theo các mục tiêu bền vững, bình đẳng và khí hậu nhằm cung cấp được các sản phẩm và dịch vụ, và là chìa khóa để duy trì danh tiếng của họ. Các hành động cụ thể của họ được xác thực bằng các chỉ số có thể đo lường được và IEC có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một sân chơi quốc tế bình đẳng cho các doanh nghiệp và minh chứng cho công chúng về việc thực hiện SDG thông qua các Tiêu chuẩn IEC, cũng như thử nghiệm và chứng nhận.

Các tiêu chuẩn đặt ra các yêu cầu về an toàn, bảo mật và độ tin cậy đối với cơ sở hạ tầng chất lượng trong sản xuất năng lượng, quản lý nước, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông vận tải, sản xuất và hơn thế nữa. Công việc của IEC hỗ trợ quản trị tốt và cho phép các cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý thực thi pháp luật bảo vệ cộng đồng khỏi các sản phẩm không an toàn và các mối nguy về môi trường hoặc sức khỏe. Hệ thống chứng nhận IEC cho phép chính phủ xác minh rằng các hệ thống được cài đặt đúng cách, đảm bảo lòng tin với nhà sản xuất và người tiêu dùng được bảo vệ khỏi các sản phẩm không an toàn hoặc giả mạo. Tiêu chuẩn IEC và Hệ thống CA cung cấp các công cụ để giúp các chính phủ đạt được các SDG.

Nhận thức rằng các nỗ lực tiêu chuẩn hóa không thể chỉ cho một tổ chức tiêu chuẩn hóa, IEC liên tục hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn hóa khác để chia sẻ thông tin chuyên môn của mỗi tổ chức và tìm ra giải pháp tốt nhất cho tất cả. Có thể nói, việc áp dụng tiêu chuẩn IEC nói riêng và các tiêu chuẩn quốc tế nói chung mang lại những lợi ích đáng kể cho các bên liên quan để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thư mục tài liệu tham khảo chính

[1] Contributing to Sustainable Development Goals, IEC briefing paper, February 2020

 [2]. IEC for SDGs - Working towards a sustainable future,  IEC briefing paper, September 2020;

[3]   http://cobei.org.br/noticias/standards-for-sdgs-world-standards-day-14-october-2021/

Phạm Thị Thu Trang –  Viện TCCLVN


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay47,700
  • Tháng hiện tại1,072,904
  • Tổng lượt truy cập3,778,108
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây