Nhắc đến vanila, chúng ta thường nghĩ ngay đến nguyên liệu quen thuộc trong các món bánh, chè,... nhưng ít ai biết được nguồn gốc và các quy định về chất lượng của vanila.
Vanilla còn được gọi một cách phổ biến là vani, là loại hương liệu vô cùng "thân thuộc" trong làm bánh, nấu chè hoặc kem. Vani có mùi hương ngọt ngào đặc trưng giúp tăng thêm độ thơm cho món ăn.
Vani còn được biết đến như loại gia vị đắt tiền thứ hai thế giới chỉ sau saffron bởi muốn sản xuất ra chúng thì tốn rất nhiều công sức của người gia công. Vani được chiết xuất từ những loài lan thuộc chi Vanilla bắt nguồn ở Mexico vào những năm 1520, sau đó được đưa đến châu Âu để làm thức uống socola cho giới quý tộc. Quả vani có màu xanh mọc thành chùm, khi trưởng thành chúng sẽ được thu hoạch, sau khi hái lập tức co lại và chuyển sang màu đen. Từ những quả vani khô, người ta mới chế biến, sản xuất và chiết ra tinh chất vani.
Để quản lý chất lượng vani, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 19-1:2015/BYT quy định yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quản lý đối với các chất tạo hương vani sử dụng với mục đích làm hương liệu thực phẩm. Các chất tạo hương vani phải được công bố phù hợp quy định tại quy chuẩn này.
Theo QCVN 19-1:2015/BYT yêu cầu kỹ thuật đối với Vanillin về cảm quan là chất bột dạng tinh thể hoặc dạng kim, màu trắng hoặc vàng nhạt, mùi thơm vani. Bộ Y tế yêu cầu Vanillin ít tan trong nước, tan trong dầu và các chất tạo hương vani hữu cơ, tan tốt trong cồn. Điểm sôi ở 285°C, điểm chảy ở 80°C – 81°C. Hàm lượng Vanillin không được thấp hơn 97,0 % (theo khối lượng). Thử định tính theo phương thức ghi phổ hồng ngoại (IR) và so sánh với phổ chuẩn.
Yêu cầu kỹ thuật đối với Ethylvanillin về cảm quan tinh thể dạng vẩy màu trắng hoặc vàng nhạt, mùi vani đặc trưng. Cơ quan ban hành yêu cầu không tan trong nước, tan trong dầu và các chất tạo hương vani hữu cơ, tan rất tốt trong cồn (1 g tan trong 2 ml). Điểm sôi của Ethylvanillin là 285°C (tại 760 mmHg), điểm chảy ở 78°C. Hàm lượng Ethylvanillin không được thấp hơn 98,0% (theo khối lượng).
QCVN 19-1:2015/BYT quy định việc ghi nhãn các dung môi theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ trưởng Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nguồn: VietQ.vn