Năng suất chất lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tăng năng suất chính là phương thức phát triển bền vững của doanh nghiệp mà không nhất thiết phải tăng vốn, lao động,… kết quả đầu ra vẫn khả quan nếu như doanh nghiệp biết khai thác, sử dụng tối ưu nguồn lao động, kết hợp sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào.
Tăng năng suất - tăng khả năng cạnh tranh
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" – Chương trình 712). Mục tiêu chương trình nhằm xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực; 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020,…
Tính đến nay, Chương trình 712 đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia và đưa tổng số tiêu chuẩn hiện hành lên 8.800 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tỷ lệ hài hòa với quốc tế, khu vực là 45%.
Thông qua ứng dụng công nghệ giải pháp mới đã góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đây lên trên 25% trong giai đoạn 2011 – 2014 và dự kiến đạt mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế trên khoảng 35% vào năm 2020.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP),… sẽ mở ra các cơ hội cạnh tranh sòng phẳng đối với các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tự khẳng định chính mình, tuy nhiên một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay là năng suất chất lượng - điều sống còn của các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thúy Anh, Đại học Ngoại thương nhận định, năng suất luôn là một vấn đề nóng không chỉ đối với cả nền kinh tế mà còn đối với từng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đó. Tăng năng suất được coi là một trong những phương thức phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Để tăng năng suất, ngoài các yếu tố lao động và vốn, các nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố tổng hợp khác có thể làm tăng năng suất cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không nhất thiết phải tăng vốn hay tăng lao động mà kết quả đầu ra vẫn có thể khả quan hơn nếu doanh nghiệp biết khai thác, sử dụng tối ưu nguồn lao động và vốn đầu tư bằng việc tăng cường phối hợp sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, kết hợp với cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực...”, TS. Nguyễn Thúy Anh khẳng định.
Đầu tư cho KH&CN – Tạo bước đột phá
Nói về lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư cho nghiên cứu KH&CN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân dẫn chứng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là một doanh nghiệp nhà nước đã từng đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, nhờ đầu tư, áp dụng KH&CN, nên trong vòng 10 năm Công ty đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu nằm trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Để đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng KH&CN, Rạng Đông đã thành lập một trung tâm nghiên cứu, mời được các nhà khoa học hàng đầu về chiếu sáng của Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia. Trong vòng 10 năm, Rạng Đông đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu nằm trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước 220 tỷ đồng, doanh thu năm 2015 đạt 2.800 tỷ.
Theo TS. Nguyễn Thúy Anh, cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực,… sẽ tạo nên một nhân tố mới đóng vai trò tích cực tạo ra giá trị gia tăng cao hay còn gọi là năng suất các nhân tố tổng hợp.
Về năng suất các nhân tố tổng hợp, có thể hiểu là chỉ tiêu đo lường năng suất gồm lao động và vốn trong một doanh nghiệp cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
Theo đó, nâng cao TFP là biện pháp gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động….
Để đo lường yếu tố đầu ra của doanh nghiệp, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, không chỉ sử dụng chỉ tiêu tổng sản lượng mà sử dụng giá trị gia tăng mà doanh nghiệp tạo ra để đo lường năng suất và gắn kết với tạo động lực làm việc của người lao động để bài toán tăng năng suất không chỉ là bài toán của nhà quản trị mà của mọi thành viên trong doanh nghiệp.
Trở lại với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định giá trị gia tăng và đo lường năng suất tổng hợp trong doanh nghiệp, Rạng Đông đã bắt tay vào việc áp dụng tính toán các chỉ số liên quan, tiến tới sử dụng các tiêu chí về giá trị gia tăng và mức tăng năng suất các nhân tố tổng hợp như một chỉ số KPI trong doanh nghiệp và phân phối thu nhập trong công ty một cách công bằng hơn, tạo động lực phát triển cho người lao động.
Ông Doãn Trung Tuấn, Bí thư Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội cho rằng, điểm nổi bật trong hội nhập để phát triển, chủ yếu dựa vào 2 nhân tố quan trọng: một là, các nguồn lực tri thức KH&CN - nhân tố động lực cho phát triển, nhân tố này có khả năng tái tạo, tự sản sinh và không bao giờ cạn kiệt, nếu biết phát huy. Hai là, sức sống của các nền văn hóa trong cộng đồng dân tộc - nhân tố nền cho sự phát triển của cả dân tộc.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hai nhân tố trên mới chỉ là điều kiện cần; muốn hội nhập một cách hiệu quả phải có thêm điều kiện đủ, đó là môi trường phát triển với tổng hòa các yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội và kinh tế.
“Việt Nam với 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều hạn chế, yếu kém so với các nước trong khu vực về năng lực KH&CN, năng suất lao động, năng lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại,… Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn đối với những doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, chủ động đổi mới, sáng tạo mới sẽ là nền tảng, tạo nên sự cạnh tranh thành công trong tương lai” ông Tuấn khẳng định.
Theo truyenthongkhoahoc.vn
Theo truyenthongkhoahoc.vn