Viện Năng suất Việt Nam đã hoàn thành chương trình nghiên cứu về thực trạng năng suất lao động của Việt Nam; trong đó nêu bật những rào cản và giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất lao động cho các doanh nghiệp (DN).
Khác biệt về năng suất giữa các ngành
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 2.000 DN thuộc 7 ngành kinh tế trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chia nhóm ngành theo công nghệ từ thấp đến cao. Nhóm ngành công nghệ thấp gồm: Sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và sản phẩm có liên quan. Nhóm ngành công nghệ trung bình: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plasitics. Nhóm ngành công nghệ cao: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện.
Năng suất lao động chung của các DN thuộc 7 ngành nghiên cứu khoảng 258 triệu đồng/người vào năm 2014. Nếu so với mức chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì năng suất chung của các DN thuộc 7 ngành này cao hơn khá nhiều.
Trong các ngành trên, những ngành thuộc nhóm công nghệ cao có năng suất lao động cao hơn hẳn những ngành công nghệ thấp sử dụng lao động là chủ yếu. Ví dụ, sự khác biệt rõ ràng về năng suất lao động của ngành Sản xuất hóa chất và ngành Sản xuất thiết bị điện so với ngành Sản xuất trang phục, ngành Sản xuất da và sản phẩm có liên quan…
Nhiều rào cản
Thông qua điều tra DN, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các rào cản tăng năng suất lao động. Trước tiên, đó là nhận thức của lãnh đạo về sự cần thiết nâng cao năng suất chưa thật đầy đủ, thể hiện ở sự thiếu ưu tiên cho các mục tiêu năng suất và chưa có được chiến lược cải tiến năng suất rõ ràng; thiếu sự quan tâm đầu tư cho các dự án nghiên cứu - phát triển và cải tiến năng suất cũng như đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Sỡ dĩ có điều này một phần do DN chưa nhận thấy rõ vai trò, lợi ích kinh tế từ việc đầu tư. Mặt khác, do DN quy mô nhỏ, không có năng lực cho phát triển khoa học - công nghệ nên phải loay hoay trong bài toán công nghệ giá rẻ. Các DN cũng đang còn thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển.
Năng suất lao động của các DN Việt Nam chưa cao còn xuất phát từ nguyên nhân trình độ lao động trong các DN còn hạn chế. Người lao động thiếu tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, nhận thức về pháp luật và các quy định…
Theo các ý kiến của DN, các vấn đề được coi là yếu tố cản trở tăng năng suất của DN được cho là thiếu vốn, thị trường đầu ra khó khăn và giá cả nguyên vật liệu tăng, khung pháp luật về đất đai, bảo hiểm xã hội, thuế và tín dụng có những yếu tố chưa thuận lợi đối với DN.
Tháo gỡ nút thắt
ThS. Nguyễn Thị Lê Hoa - thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết, DN có tỷ lệ lao động trình độ từ cao đẳng trở lên càng cao thì năng suất lao động càng cao. Hay những DN sử dụng thiết bị có nguồn gốc từ các nước phát triển (Mỹ, châu Âu) có năng suất lao động cao hơn những DN sử dụng thiết bị có nguồn gốc từ những nước đang phát triển. Đồng thời, các DN có triển khai đầu tư, thực hiện các dự án nghiên cứu - phát triển có năng suất lao động cao hơn những DN không chú trọng tới hoạt động này. Những DN có áp dụng hệ thống quản lý và cải tiến năng suất chất lượng sẽ có năng suất lao động cao hơn DN không áp dụng hệ thống nào.
Để tăng năng suất lao động, theo bà Hoa, nhà nước cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với phát triển bền vững của từng ngành, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác bằng cách tác động tổng hợp các chương trình hỗ trợ...
“Trong điều kiện đang thiếu những DN đầu tàu lớn mạnh, làm chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách của nhà nước nên tập trung thúc đẩy phát triển các DN nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh”, bà Hoa nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn, cũng như ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.
(Theo: Báo Công thương điện tử)