Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm từ các hoạt chất thuộc lớp chất diterpenoit, triterpenoit và polyphenol có nguồn gốc tự nhiên thay thế kháng sinh phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi ở Việt Nam
Khi tôm nuôi nhiễm bệnh do tác nhân là vi khuẩn, kháng sinh được xem như là lựa chọn đầu tiền trong công tác trị bệnh. Tuy nhiên sử dụng kháng sinh không đúng liều, sai loại thuốc hay lạm dụng thuốc ở các hộ nuôi đang là phổ biến, dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh. Hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã và đang diễn ra ở thực tế và cũng là vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, cũng là mối nguy tiềm ẩn tác động đến môi trường, tăng khả năng chuyển gen kháng lên mầm bệnh của con người và động vật trên cạn (Van Boeckel et al. 2014). Ở nước ta, hiện tượng kháng thuốc cũng đã được một số tác giả ghi nhận trên vi khuẩn gây bệnh cũng như vi khuẩn trong môi trường nuôi cá, tôm (Van, 2005; Nguyen Thanh Phuong và ctv, 2005; Le và ctv, 2005). Chính vì vậy, việc sử dụng các hoạt chất tách chiết từ thảo dược trong phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản nói chung và bệnh trên tôm nói riêng, đồng thời khắc phục được các nhược điểm do kháng sinh và thuốc tổng hợp mang lại là điều rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội theo hướng an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Cùng xu hướng phát triển của các nước trên thế giới về vấn đề ứng dụng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, đặc biệt trong nghề nuôi tôm công nghiệp thì ở Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu tìm loài thảo dược có hiệu quả cao phòng trị bệnh vi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và cho tôm nói riêng. Việt Nam là nước có nhiều lợi thế do nằm trong vùng nhiệt đới, với sự đa dạng các loài cây thảo mộc, là cơ sở có nguồn nguyên liệu đa dạng phong phú, giá thành nguyên liệu thấp, dễ lấy với số lượng lớn….
Đề tài nhằm mục tiêu: Sản xuất và ứng dụng thành công chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thay thế kháng sinh phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi ở Việt Nam.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Từ 06 loài nghiên cứu có hoạt tính tốt đối với vi khuẩn V. parahaemolyticus: thân lá cây Bọ mắm (Pouzolzia zeylanica), thân lá cây Thầu dầu (Ricinus communis), thân cây Ké hoa đào (Urena lobata), lá Khổ sâm (Croton tonkinensis), lá Thồm lồm (Polygonum chinense) và thân lá Đơn châu chấu (Aralia armata), 41 hợp chất đã được phân lập và xác định cấu trúc (trong đó trùng lặp 14 hợp chất) thuộc các lớp chất diterpenoit, tritecpenoit và polyphenol.
- Đã hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý sử dụng enzym, chiết xuất và tạo thức ăn, mô hình áp dụng 2.5 ha và hướng dẫn sử dụng nuôi tôm sử dụng chế phẩm Khổ sâm phòng bệnh, kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng với liều 20 g/kg thức ăn. Kết quả thử nghiệm này tương đương với ao đối chứng được phòng bệnh hoại tử gan tuỵ cấp bằng kháng sinh doxycycline với liều 5 g/kg thức ăn.
Đối với thử nghiệm 1ha ở Bạc Liêu, các ao thử nghiệm đạt năng suất từ 9,5-11 tấn/ha, và tỷ lệ sống từ 89,4% đến 91,3%. Cỡ tôm thu hoạch từ 65-77 con/kg sau 75-80 ngày thả nuôi. Với 1,5ha ở Sóc Trăng, đạt năng suất là 9,8 và 12,5 tấn/ha, và tỷ lệ sống 79% - 88,4%. Cỡ tôm thu hoạch 52-70 con/kg sau thời gian nuôi 79-91 ngày thả nuôi.
- Đã hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý, chiết xuất và tạo chế phẩm và hướng dẫn sử dụng chế phẩm Thồm lồm cho vào môi trường nước phòng bệnh phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng với liều lượng 25-30g/m3 nước. Quy trình công nghệ xử lý, chiết xuất và tạo thức ăn, mô hình áp dụng 2.5ha và hướng dẫn sử dụng nuôi tôm sử dụng chế phẩm Thồm lồm phòng bệnh AHPND trên tôm thẻ chân trắng với liều lượng 25-30g/100 kg tôm.
Đối với thử nghiệm quy mô 2,5ha ở Hà Tĩnh, sử dụng chế phẩm không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, kích cỡ tôm thịt và năng suất so với ao đối chứng. Tỷ lệ sống của tôm đạt từ 74,8 đến 76,7%, năng suất quy đổi đạt từ 8,5 đến 9,2 tấn/ha, cỡ tôm thịt từ 50 – 53 con/kg
Công nghệ EAE không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do giảm việc sử dụng dung môi và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu.
Nguồn:Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.