Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy cắt Laser dùng để cắt vật liệu vải, da phục vụ sản xuất tại trường Ðại học Sao Ðỏ

 

Tia Laser đầu tiên được phát minh vào tháng 5 năm 1960 bởi Maiman. Nó là loại laser hồng ngọc (rắn). Sau đó nhiều loại laser khác đã ra đời như laser uranium, laser khí helium-neon, laser bán dẫn, laser khí CO2 và Nd-YAG, laser hóa, laser khí kim loại,… Để sử dụng gia công vật liệu, laser phải có đủ năng lượng và những loại laser thường dùng để gia công vật liệu là: laser CO2, laser Nd-YAG hoặc laser Nd-thủy tinh và laser excimer. Theo vật liệu cấu tạo nên môi trường hoạt tính, có thể chia laser thành bốn loại chính sau: laser rắn, laser khí, laser bán dẫn và laser lỏng.

Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy cắt Laser dùng để cắt vật liệu vải, da phục vụ sản xuất tại trường Ðại học Sao Ðỏ

Hiện nay, trong ngành công nghiệp Laser được sử dụng vào việc hàn, khoan, cắt, tiện, phay các các rãnh định hình, chạm khắc các dụng cụ đo và các chi tiết thép, khắc logo trên vật liệu kim loại và phi kim. Gia công các chi tiết có kích thước nhỏ các loại vật liệu như: kim cương, thủy tinh, ceramic, polyme mềm mà các phương pháp khác khó hoặc không gia công được. Gia công các vật liệu mỏng đặc biệt trong các mạch thích hợp (IC), làm vi mạch điện tử, tạo mẫu nhanh, kiểm tra chất lượng các sản phẩm đúc, kiểm tra độ tinh khiết của chất lỏng hoặc khí, các sản phẩm điện tử. 

Công nghệ cắt vải, da bằng máy cắt Laser ngày nay đã và đang được ứng dụng nhiều trong sản xuất và điêu khắc. Quá trình cắt vải, tia laser sẽ làm khô các vết cắt, giúp mép vải bị xơ phải dùng phương pháp vắt sổ để khắc phục. Ngoài ra, công nghệ cắt vải, da trên máy cắt laser còn cho phép tạo ra các mẫu mã đẹp, biên dạng phức tạp mà phương pháp truyền thống khó đạt được. Đặc biệt phương pháp này tích hợp từ quá trình lên ý tưởng, thiết kế mẫu trên các phần mềm CAD chuyên dụng. Sau đó kết nối máy cắt laser với máy tính, giúp quá trình gia công linh hoạt. 

Ở Việt Nam, máy cắt Laser đã và đang được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khuôn mẫu, trang trí, điêu khắc. Trong lĩnh vực dệt may, máy cắt Laser đã bắt đầu được ứng dụng phổ biến. Tại các nhà máy lớn, người ra đã ứng dụng những máy cắt Laser khổ lớn để giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Tuy nhiên việc nghiên cứu khả năng ứng dụng, đánh giá năng suất, chất lượng gia công sau khi cắt chưa được đề cập đến nhiều trong các tài liệu chuyên ngành. 

Ðể gia công cắt những sản phẩm có biên dạng phức tạp, nâng cao nãng xuất và hiệu quả trong nguyên công cắt mẫu tại xưởng thực hành may đồng thời ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào đào tạo và sản xuất dịch vụ, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Văn Hạng, Trường Đại học Sao Đỏ đứng đầu đã lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy cắt Laser dùng để cắt vật liệu vải, da phục vụ sản xuất tại trường Ðại học Sao Ðỏ”.

Hiện nay, phương pháp cắt vải, da tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp may nói chung và trung tâm thực hành thực nghiệm Khoa Công nghệ May thời trang nói riêng đang sử dụng thiết bị cắt đầu bàn, sử dụng phương pháp cắt thủ công truyền thống. Với phương pháp này, đòi hỏi phải có nhiều nhân công, bên cạnh đó với những biên dạng phức tạp đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và kinh nghiệm thực tế mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai sản xuất yêu cầu phải đáp ứng tính linh hoạt, nhanh chóng, vòng đời của sản phẩm thời gian ngắn. Do vậy phải ứng dụng máy tính nhằm tự động hóa quá trình sản xuất. 

Sau thời gian triển khai thực hiện đề tài, từ việc sưu tầm tài liệu đến tổ chức hội thảo khoa học, thiết kế chế tạo, lắp ráp sản phẩm,… nhóm tác giả đã hoàn thành đề tài đúng tiến độ và thu được kết quả như sau: 

- Nghiên cứu được nguyên lý cắt bằng tia Laser. 

- Thiết kế, chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh máy cắt Laser công suất 50W phù với điều kiện thực tế, dễ vận hành gia công cắt vật liệu vải, da. 

- Xây dựng được trình tự cắt vật liệu (vải, da) trên máy cắt bằng Laser. 

- Thực nghiệm, đánh giá được ảnh hưởng của một số thông số: nhiệt cắt (T), tốc độ cắt (s), chiều dày vật liệu (t) đến chất lượng vết cắt, năng suất cắt trong quá trình cắt vật liệu (vải, da). 

- Máy cắt laser do nhóm tác giả thiết kế lắp ráp có giá thành giảm so với ngoại nhập, phục vụ tốt trong công tác đào tạo kết hợp với sản xuất dịch vụ tại Trường Đại học Sao Đỏ. 

Hiện sản phẩm máy cắt Laser và bộ thông số chế độ cắt đối với vật liệu (vải, da) của đề tài được dùng phục vụ đào tạo kết hợp với sản xuất tại xưởng sản xuất may - Khoa Công nghệ May & Thời trang - Trường Đại học Sao Đỏ.

Nguồn: Vista.gov.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây