Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 100.000 tấn thép không gỉ. Tuy nhiên, việc quản lý mặt hàng này vẫn còn rất khó khăn do thiếu chế tài .
Theo Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, hiện Việt Nam mới có một số quy định, tiêu chuẩn về chất lượng thép không gỉ, các yêu cầu về thôi nhiễm kim loại đối với dụng cụ chứa đựng thực phẩm, như: Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN (Thông tư 58) có quy định những mặt hàng thép không phải kiểm tra chất lượng, trong đó có một số sản phẩm thép không gỉ phải kiểm tra chất lượng nhưng được phép theo Tiêu chuẩn cơ sở, trong khi các sản phẩm thép phải kiểm tra chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN hoặc Tiêu chuẩn quốc gia của nước xuất khẩu thì không có mặt hàng thép không gỉ.
Việc đưa thép không gỉ vào diện quản lý theo quy chuẩn sẽ giúp lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi và an toàn của người sử dụng.
Hiện, Thông tư 58 quy định hàng hóa bị quản lý của 2 Bộ, Bộ Công Thương chỉ định các tổ chức thử nghiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp, và một số mặt hàng thép phải đăng ký nhu cầu sử dụng với Bộ Công Thương, điều này gây ra sự chồng chéo, lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp, đi ngược với chủ trương của Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu (Nghị quyết 19).
Đến thời điểm Thông tư số 18/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương thay thế cho Thông tư liên tịch số 58, cho phép doanh nghiệp tự công bố hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn (kể cả tiêu chuẩn cơ sở) và tự chịu trách nhiệm về chất lượng thép, trong đó có thép không gỉ nhưng không quy định rõ ràng về phương thức kiểm tra, đơn vị kiểm tra. Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này cũng chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19 là phải quy định rõ ràng về phương thức kiểm tra, đơn vị kiểm tra trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Từ đó đến nay, chưa có thêm một văn bản pháp quy, cơ quan nào quản lý chất lượng thép không gỉ, đặc biệt với thép không gỉ cán phẳng dạng tấm và dạng cuộn, dạng thanh đặc, dạng ống.
Ghi nhận của cơ quan chức năng, trong quá trình kiểm tra, đánh giá phù hợp chất lượng thép nhập khẩu, một số doanh nghiệp nhập khẩu thép không gỉ, không đảm bảo chất lượng, bằng cách công bố theo Tiêu chuẩn cơ sở, trong đó có những yêu cầu cơ lý tính và thành phần hóa học rất thấp so với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN hay Tiêu chuẩn quốc gia nước ngoài (ví dụ: Mác thép SUS201 của tiêu chuẩn cơ sở có hàm lượng Mn trên 10% và Cr chỉ dưới 8%, trong khi mác thép SUS201 trong tiêu chuẩn JIS G4304:1991 của Nhật Bản, quy định Mn tối đa 7.5%, Cr từ 16-18%).
Với chất lượng thép không gỉ không đảm bảo chất lượng, khi nhập khẩu lưu thông trên thị trường sẽ đem đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cho người sử dụng, làm giảm chất lượng của kết cấu công trình, công năng sử dụng của sản phẩm, suy giảm tính chủ động và cạnh tranh của nền sản xuất trong nước, doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư trang bị, phát triển công nghệ để sản xuất thép không gỉ trong nước, do nhập khẩu dễ dàng, lợi nhuận cao, không bị kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, việc cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn áp dụng, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa cho thép, trong đó có thép không gỉ được xem là một biện pháp tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhưng chỉ đạt kỳ vọng tốt với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Còn với doanh nghiệp làm ăn chộp giật, đây sẽ là cơ hội tốt để sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người sử dụng, do được tự xây dựng và công bố sản phẩm thép không gỉ theo Tiêu chuẩn cơ sở, nên sẽ có rất nhiều mác thép có mức chất lượng rất kém như thành phần hóa học không đủ, tính chất cơ lý không đảm bảo so với các sản phẩm sản xuất theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN, tiêu chuẩn quốc gia nước ngoài, tiêu chuẩn khu vực.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: "Cần thiết lập một chuẩn đánh giá cho sản phẩm thép không gỉ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ảnh: Thanh Uyên
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có ban hành Tiêu chuẩn (TCVN) 10356:2014, TCVN 9985-7:2014 về thép không gỉ và TCVN 5834:1994 về Bồn bình chứa nước bằng thép không gỉ, nhưng trong TCVN 5834:1994 không quy định về thành phần hóa học, hay các mức giới hạn của các nguyên tố có hại cho sức khỏe, có thể thôi nhiễm ra nước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN) 12-3:2011/BYT - Quy định về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại nói chung, có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trong đó quy định mức giới hạn thôi nhiễm cho phép của một số kim loại như Arsen, chì, cadimi, mà không quy định các yêu cầu cụ thể các giới hạn thôi nhiễm với các nguyên tố kim loại khác có mức độc tính không nhỏ khi tiếp xúc hoặc nhiễm độc với hàm lượng lớn.
“Thép không gỉ hiện có nhiều loại với thành phần hóa học khác nhau nên có đặc điểm khác nhau về cơ tính, lý tính đặc biệt về khả năng chống gỉ. Vì vậy, để sử dụng thép không gỉ một cách hiệu quả, hợp lý nhất đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về thép không gỉ. Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập một chuẩn đánh giá cho sản phẩm thép không gỉ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo những loại thép không gỉ với chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dung”, ông Sưa nhấn mạnh.
Hiện, Bộ KH&CN đang xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thép không gỉ. Quy chuẩn này quy định mức giới hạn của thành phần các nguyên tố hóa học đối với các sản phẩm thép không gỉ cán phẳng dạng tấm, cán phẳng cuộn, dạng thanh đặc, dạng ống, dạng thanh định hình, dạng que hoặc dây và các yêu cầu quản lý chất lượng đối với thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn này áp dụng cho thép không gỉ theo mã HS 7218, 7219, 7220, 7221, 7222 và 7223. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thép không gỉ, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Vietq.vn