Quả tươi nhờ màng MAP

Sau 2 năm triển khai, viện Hóa học đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại màng bao gói khí quyển biến đổi (gọi tắt là màng MAP) đạt chất lượng cao. Theo đó, quả được gói trong các vật liệu mà môi trường khí được thay đổi để ức chế các tác nhân gây hỏng. Nhờ đó, duy trì quá trình sống tự nhiên, kéo dài thời hạn sử dụng.
Năm 2009, nhiều hộ gia đình trồng vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang bị giảm sản lượng do tình trạng hư hỏng của quả sau thu hoạch. Theo ông Hoàng Văn Kèm, một nông dân trồng vải mỗi vụ gia đình ông bị hao hụt từ 20% - 30% sản lượng do vải là loại quả không thể để lâu và chưa có cách bảo quản hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình.
Chính vì vậy, Bộ KH-CN giao Viện Hóa học chủ trì thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản quả”.
CMS_H1_T8A_mang20bao20MAP_Minh20Cuong
Đóng gói quả vải bằng màng MAP
ThS. NCS Phạm Thị Thu Hà, Viện Hóa học cho biết để bảo quản trái cây, hiện nay bà con nông dân thường sử dụng những phương pháp truyền thống như bảo quản ở nhiệt độ thấp có độ ẩm cao hay bảo quản bằng hóa chất. Tuy nhiên, hiệu quả bảo quản chưa cao và có thể để lại những tác dụng phụ không mong muốn. Thử nghiệm bao gói đối với 2 tấn vải (Lục Ngạn-Bắc Giang), 1 tấn mận (Bắc Hà-Lào Cai) và 2 tấn nhãn lồng (Hưng Yên) đều cho kết quả tốt.
So với phương pháp bảo quản quả truyền thống khác, màng MAP cho thời gian bảo quản quả lâu hơn mà vẫn giữ được chất lượng của quả từ khối lượng, màu sắc cho đến mùi vị. Tổn thất sau bảo quản đạt dưới 12%, thời gian bảo quản tăng gấp 3 lần so với đối chứng (đạt từ 4 tuần trở lên). Đặc biệt, sau 8 tuần bảo quản mận không thay đổi các chỉ tiêu chất lượng. Hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 75%, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Không chỉ dừng lại ở chất lượng và hiệu quả, ưu điểm khác của màng MAP là cách sử dụng khá đơn giản. Quả sau khi thu hái được làm lạnh sơ bộ ở nhiệt độ 2-4 độ C trong 12 đến 16 giờ. Sau đó, lựa chọn và loaị bỏ những quả không đạt chất lượng tiêu dùng như xây xát, dập nát, sâu bệnh rồi đóng gói trong màng MAP (khoảng 5kg/túi), buộc kín sát quả sao cho khoảng hở là nhỏ nhất.
TS Đinh Gia Thành, chủ nhiệm đề tài cho biết, nghiên cứu chế tạo thành màng bao gói khí quyển đã mở ra triển vọng mới trong việc bảo quản các sản phẩm quả dễ héo ở nước ta như vải, nhãn, mận, đào…cũng như các loại rau, hoa để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đạt giá trị cao.
So với các sản phẩm cùng loại do Hàn Quốc sản xuất thì màng do các nhà khoa học Viện Hóa học chế tạo có hiệu quả bảo quản tương đương (đạt từ 95 – 100%) và giá thành chỉ bằng 50% giá nhập ngoại. (baodatviet.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây