Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn, triển khai chương trình so sánh liên phòng đối với tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường

So sánh liên phòng là hoạt động cần thiết trong hoạt động đo lường, thử nghiệm trên toàn thế giới để duy trì hệ thống quản lý các phòng thí nghiệm phù hợp Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, nó diễn ra dưới các cấp độ khác nhau phục vụ cho từng mục đích cụ thể ở cấp độ quốc tế, quốc gia.

Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn, triển khai chương trình so sánh liên phòng đối với tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường

Mục đích của so sánh liên phòng là đánh giá năng lực thực tế của tổ chức, đơn vị duy trì phòng thí nghiệm phù hợp Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, nâng cao tính đúng đắn của kết quả hiệu chuẩn, bằng chứng hỗ trợ cho việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo lường.

Ở cấp độ quốc tế, các quốc gia muốn tham gia vào thỏa thuận thừa nhận toàn cầu về đo lường, thử nghiệm thì bắt buộc phòng đo lường, thử nghiệm phải tham gia các chương trình so sánh liên phòng. Kết quả của việc tham gia so sánh liên phòng là cơ sở để đánh giá năng lực của các phòng đo lường, thử nghiệm nhằm thừa nhận các kết quả đo, hiệu chuẩn.

Văn phòng Cân Đo quốc tế (International Bureau of Weights and Measures - BIPM), được coi như Viện Đo lường Quốc tế có nhiệm vụ đảm bảo sự thống nhất trên toàn thế giới về phép đo và sự dẫn xuất của các phép đo này tới hệ đơn vị SI (theo Công ước Mét -The Convention of the Metre ký ngày 20/5/1875 tại Pari - Cộng hoà Pháp) đã tổ chức nhiều chương trình so sánh liên phòng đối với các lĩnh vực đo để thừa nhận khả năng đo, hiệu chuẩn (CMC) của các quốc gia, khu vực.

 Ảnh minh hoạ

Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia muốn tham gia vào thỏa thuận thừa nhận toàn cầu về đo lường, thử nghiệm thì bắt buộc các phép đo xin thừa nhận phải được tham gia các so sánh liên phòng hoặc phép thử nghiệm thành thạo do tổ chức đo lường thế giới tổ chức hoặc ít ra cũng phải được tổ chức đo lường khu vực tổ chức nhưng phải được tổ chức đo lường thế giới thừa nhận. Kết quả của việc tham gia trên là cơ sở để đánh giá khả năng của phòng thử nghiệm trong quá trình xem xét cùng các tiêu chí khác trong quá trình tổ chức đánh giá để thừa nhận nếu kết quả đạt yêu cầu.

Ở cấp độ khu vực Châu Âu các chương trình so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo được triển khai ở nhiều quốc gia trong đó có các chương trình như Chương trình IMEP của EU JRC IRMM; So sánh liên phòng do EA tổ chức và các chương trình quốc gia khác nhau.

Chương trình khu vực châu Âu được gọi là IMEP do một trong các viện nghiên cứu của EC điều hành, Viện Đo lường và Vật liệu Tham chiếu (IRMM) Geel, Bỉ, trong khu vực phòng thí nghiệm hóa học. Hội thảo & Hội nghị chuyên đề NCSLI 2005 vai trò quan trọng (hiện diện trong khoảng 30% các văn bản luật của EU).

Ở cấp độ quốc gia, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đo lường, nhiều tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường đã được chỉ định để thực hiện duy trì chuỗi liên kết chuẩn đo lường không đứt đoạn, góp phần đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Nhằm nâng cao khả năng đo, hiệu chuẩn, thu hẹp độ lệch về kết quả hiệu chuẩn giữa các tổ chức hiệu chuẩn đo lường, các tổ chức hiệu chuẩn này luôn có nhu cầu tổ chức và triển khai hoạt động so sánh liên phòng hiệu chuẩn chuẩn đo lường theo cách thức, chuẩn mực thống nhất. Tuy nhiên hiện nay hoạt động này chưa được hướng dẫn cụ thể.

Thực tế này đã dẫn đến một số bất cập như sau: Khó khăn trong việc quốc tế đánh giá, thừa nhận thêm khả năng đo, hiệu chuẩn của Việt Nam; Việc thực hiện hoạt động so sánh liên phòng mang tính tự phát, không do đơn vị có năng lực tổ chức, chưa tạo được chuỗi so sánh từ cao đến thấp, theo cách thức, chuẩn mực thống nhất, chưa được cơ quan quản lý cấp mã số chương trình để làm cơ sở công nhận kết quả so sánh nên dễ xảy ra khiếu nại khi so sánh kết quả đo, hiệu chuẩn của các tổ chức hiệu chuẩn;

Tổ chức hiệu chuẩn khó phát hiện phạm vi đo, hiệu chuẩn đã thực hiện không đúng nếu không được so sánh với kết quả đo, hiệu chuẩn của tổ chức khác; Kết quả của so sánh liên phòng chưa được sử dụng làm bằng chứng để hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật của các tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường.

Nhằm khắc phục bật cập nêu trên, năm 2022, Tổng cục TCĐLCL đã chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng quy trình khung chương trình so sánh liên phòng đối với các tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường” với các nội dung hướng dẫn đăng ký tham gia chương trình so sánh liên phòng, yêu cầu đối với tổ chức triển khai hiện chương trình so sánh liên phòng, mã số chương trình, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình so sánh liên phòng; sử dụng kết quả so sánh liên phòng phục vụ đăng ký, chỉ định tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường luân chuyển mẫu, chính sách khuyến khích tham gia chương trình.

Trong khuôn khổ đề tài, năm 2022, chương trình so sánh liên phòng đã được Tổng cục TCĐLCL triển khai thực hiện thí điểm nhằm đánh giá tính khả thi của nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thưc tiễn để cơ quan quản lý xây dựng, ban hành Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình so sánh liên phòng đối với các tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường.

Đây là một trong số nhiệm vụ xây dựng và ban hành chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường thuộc Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự thảo “Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình so sánh liên phòng đối với các tổ chức hiệu chuẩn chuẩn đo lường” đang được Tổng cục hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức địa phương.

Nguồn: Tạp chí Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây