Ngày 31/8, Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm về lúa cổ Thành Dền với sự tham gia của các nhà nông học, khảo cổ học.
Sở dĩ có cuộc tọa đàm là bởi, vào tháng 5/2010, các nhà khảo cổ khi khai quật di chỉ thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) đã phát hiện một số hạt lúa ở tầng văn hóa Đồng Đậu (cách đây chừng 3.500 – 3.000 năm). Sau vài ngày cho vào nước để ngâm, một số hạt thóc đã nảy mầm. Chúng đã được đem về gieo trồng tại Viện Di truyền Nông nghiệp để chăm sóc, nuôi dưỡng và nghiên cứu với mục đích tìm ra niên đại chính xác.
Ở thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hội, người trực tiếp chăm sóc lúa cổ cho hay, khi lúa chín, những dấu hiệu về hình thái học cho thấy nó rất giống với loại lúa đương đại, có tên là Khang dân. Sau khi dùng phương pháp AND sử dụng chỉ thị vệ tinh (SSR), phân tích, so sánh lúa cổ với lúa Khang dân, các chuyên gia của Viện Di truyền Nông nghiệp xác định, 2 loại lúa này có nhiều đặc điểm hoàn toàn giống nhau. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận 2 cây lúa cổ này chính là lúa Khang dân.
Tuy nhiên, để đi đến kết luận, các nhà khoa học nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu để khẳng định lần cuối về tính khác biệt, tính đồng nhất và ổn định của những cây lúa cổ… Ngoài ra, sẽ kết hợp với kết quả phân tích bằng phương pháp AMS từ Nhật Bản để xác định chính xác niên đại của lúa cổ Thành Dền./.(Vietnam+)