Tạp chí Food and Beverage News (Ấn Độ) ngày 1/9/2009 đã thông tin rằng giống lúa biến đổi gen giàu vitamin A “Lúa Vàng” (Golden Rice) sẽ được thương mại hoá vào năm 2011. Lúa có hàm lượng beta carotene cao làm hạt gạo có màu vàng.
Chính beta carotene sẽ trở thành vitamin A khi được ăn và chuyển vào cơ thể. Các nhà nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 40% trẻ em ở lứa tuổi 6 tháng đến 5 năm, và 30% trẻ em ở lứa tuổi 6-8 đều có triệu chứng thiếu vitamin A. Tương tự, 50% phụ nữ mang thai và cho con bú cũng đang có vấn đề do thiếu vitamin A. Công nghệ tạo ra lúa vàng dựa trên nguyên tắc lúa tích tụ beta carotene trên lá, không phải trong hạt gạo.
Nhờ thêm vào hai gen phytoene synthase và phytoene desaturase – bằng phương pháp chuyển gen, beta carotene này sẽ chuyển vị được vào trong phôi nhũ hạt gạo. Golden Rice hi vọng sẽ được phát triển tại Philippines vào năm 2011. Thị trường của Ấn Độ, Việt Nam cũng rất có triển vọng để phát triển trong cùng thời điểm này. Giống Golden Rice đầu tiên của thế giới do Dr Ingo Potrykus và Dr Peter Beyer tạo ra vào năm 2000. Sau đó, hai nhóm nghiên cứu của Syngenta, sản xuất ra Golden Rice có hàm lượng beta carotene cao hơn gấp nhiều lần. Giống lúa Golden Rice-1 được phát triển vào năm 2003 và giống Golden Rice-2 vào năm 2005
(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)