Sáng ngày 21/11/2014, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KHCN tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Về định hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030”. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Chiến lược và Chính sách KHCN cùng với đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ThS. Phạm Văn Bình – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: tỉnh Hải Dương có tới 60-70% dân số là nông dân, lao động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến 2020 đã đề ra mục tiêu: đến năm 2020 cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá; phát triển toàn diện và đa dạng hoá các loại sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi với năng suất, chất lượng cao. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá tập trung, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất là tiến bộ về giống. Để đạt mục tiêu trên, từng ngành của tỉnh đều có định hướng phát triển cho Hải Dương, trong đó, khoa học và công nghệ là công cụ, là giải pháp giữ vai trò chủ đạo.
Các đại biểu dự tọa đàm tập trung thảo luận về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hải Dương như: vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và trong các hành lang kinh tế kỹ thuật quốc gia, có lợi thế du lịch dịch vụ, hệ thống đô thị phát triển nhanh, đồng đều. Vì thế Hải Dương rất thuận lợi để phát triển đa dạng về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, Hải Dương cũng còn nhiều bất lợi và khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội như: sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, trình độ tổ chức sản xuất thấp, sản xuất nông nghiệp – hàng thủ công – xây dựng thương hiệu nông sản còn kém tính bền vững; công nghiệp địa phương còn yếu; dịch vụ du lịch chưa được chú trọng đầu tư khai thác lợi thế của vùng.
Để giải quyết khó khăn và tồn tại nêu trên, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp như: giữ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp tập trung, sản xuất gắn với thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng hàng hóa, vùng hàng hóa gắn sản xuất với chế biến và tổ chức tiêu thụ; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất; phát huy lợi thế di tích lịch sử để phát triển du lịch và dịch vụ; nâng cao chất lượng đào tạo lao động; nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế…
Nội dung tọa đàm là căn cứ khoa học cho lãnh đạo địa phương đưa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Anh Nguyên