Theo nguyên lý nhiệt phân (pyrolys) và gas hóa (gassification) nhiên liệu sinh khối, PGS.TS. Trần Bình cùng đồng sự, vừa công bố hệ thống các loại bếp gas từ các nguồn chất đốt: củi, trấu, than đá... (gọi chung là nhiên liệu sinh khối). Có nghĩa là khi hoạt động, bếp tạo ra khí gas, khicháy không khói, giảm hoặc không thải các loại khí độc CO2, CO, carbon đen, SO2, NO2... Bếp tiết kiệm nhiên liệu, rút ngắn thời gian đun nấu, sử dụng tiện lợi, có giá thành rẻ... Nghiên cứu này đã đăng ký sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ.
Một số loại bếp gas nhiên liệu sinh khối như sau:
Bếp đun củi: Khi cháy giảm được hơn 85% lượng khói, tiết kiệm hơn 50%nhiên liệu. Có thể đun bằng: củi, than củi, củi vụn, dăm bào thô, trấu...
Lò gas trấu: Loại lò này biến trấu cháy thành gas. Khi đun hầu như không khói, khử gần hết khí độc CO, giảm thiểu tối đa các loại khí thải khác, đặc biệt là CO2 và carbon đen. Bếp còn tạo được nguồn than sinh học quý giá (biochar) để bón cho ruộng. Lò gas trấu có thể đun liên tục, công suất tối đa là 3 kW. Thời gian nhen gas là 5 - 10 giây. Mỗi giờ đun nấu, chỉ cần dùng 1 - 1,25 kg trấu khô.
Bếp gas trấu: Bếp này đốt trấu thành gas. Khi đun không khói, khử được toàn bộ khí độc CO.
Ngoài ra còn có bếp gas dùng nhiên liệu là than đá sạch (theo công nghệ làm sạch than đá của Newtech, cũng do TS. Trần Bình sản xuất - loại than tổ ong đang phổ biến tại Bình Định). Tức là chế biến thành các viên than định hình, nhằm tổ chức được một cấu trúc vật lý hợp lý của nhiên liệu trong bếp gas để chắc chắn bảo đảm tạo được nguồn gas CO và CH4 ổn định và không gây khói trong suốt quá trình cháy của bếp. Bếp không gây độc hại, dễ nhen nhóm.
Đun bằng công nghệ này, khi gas cháy có màu xanh biếc và có nhiệt lượng cao như các loại gas hóa lỏng. Ứng dụng công nghệ này, TS. Trần Bình sản xuất 7 loại bếp gas sinh khối: bếp lẩu nhỏ, bếp lẩu lớn, bếp nhỏ (2 – 3 người ăn), bếp vừa (3 - 5 người ăn), bếp trung (5 - 7 người ăn), bếp lớn (6 - 10 người ăn), bếp nấu phở (đun cả ngày).
Theo khoahocphothong.com