Mặc dù hoạt động kiểm tra, xử lí vi phạm được tăng cường, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực từ báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu cho đến các lĩnh vực ghi âm, tín hiệu vệ tinh... Đặc biệt, nổi lên hiện nay là vấn đề bảo hộ bản quyền trong môi trường kĩ thuật số, có những vụ việc nghiêm trọng đã đưa nhau ra tòa và yêu cầu được xử lí.
Hành lang pháp lí về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam thời gian qua đã liên tục hoàn thiện. Trong thời gian ngắn, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả. Vậy điều chúng ta thiếu là gì khiến tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn biến phức tạp như vậy, thưa ông?
Hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đồng bộ, tương thích với điều ước quốc tế và luật pháp các quốc gia, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền tác giả vẫn diễn ra phức tạp bởi nhiều nguyên nhân.
Một là những người có quyền tác giả chưa thật sự quyết tâm bảo vệ quyền của mình.
Hai là tổ chức cá nhân có nghĩa vụ thực thi pháp luật cũng chưa thực sự có trách nhiệm trong việc thực thi nghĩa vụ của mình.
Ba là bộ máy thực thi của Nhà nước có nhiều cố gắng nhưng hoạt động kiểm tra xử lí chưa nghiêm minh triệt để.
Bốn là các tổ chức sử dụng, khai thác bản quyền bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh xâm hại nghiêm trọng đến quyền tác giả. Có tổ chức sử dụng bản ghi của nước ngoài mà người ta khuyến cáo đến 99 lần vẫn không có thái độ phản ứng tích cực.
Tôi cho rằng kinh doanh các tài sản trí tuệ như vậy là thiếu tôn trọng và bất chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh. Điều quan trọng hơn là nhận thức nói chung của cộng đồng đang ở giai đoạn phổ cập nên ý thức tôn trọng bản quyền tác giả vẫn ở chừng mực nhất định. Đặc biệt, những cá nhân, tổ chức dù đã hiểu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền tác giả là rào cản cho việc thực thi có hiệu quả quyền tác giả trong thực tế.
Phải chăng còn lí do là mức độ xử phạt còn chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng vi phạm bản quyền chưa có bước tiến mạnh mẽ, thưa ông?
Vừa qua, Cục Bản quyền tác giả, Nhà xuất bản Phương Đông phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận - Maseco vừa cho ra mắt bộ Truyện tranh bản quyền. Tập truyện ra đời với mong muốn truyền tải những kiến thức cơ bản về vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc tuyên truyền, giáo dục về vấn đề quyền tác giả, tác phẩm với đối tượng độc giả là học sinh từ lớp 3 trở lên và những người quan tâm về vấn đề quyền tác giả. Bộ truyện tranh đầu tiên xuất bản gồm năm tập: Quyền tác giả, quyền liên quan; Quyền của người biểu diễn; Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm; Quyền của tổ chức phát sóng; Trong môi trường kỹ thuật số.
Xét về mặt xử lí hành chính, mức phạt đã được quy định tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, phạt tới 500 triệu cho hành vi vi phạm quyền tài sản của các tác giả. Tuy nhiên, lực lượng thực thi hầu như chưa áp dụng mức phạt tối đa này.
Kiểm tra, xử lí nhưng kiểm tra để rồi cảnh báo, khuyến cáo chứ không áp dụng các biện pháp xử lí nghiêm. Riêng TP.Hồ Chí Minh, UBND TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng mức phạt tối đa đối với một công ty in sách lậu ở mức 500 triệu. Tôi rất khích lệ một quyết định xử phạt hành chính như vậy.
Trong bối cảnh internet đang ngày càng phát triển, vấn đề vi phạm bản quyền tác giả lại càng trở nên bức thiết. Tình hình vi phạm bản quyền internet thể hiện trên những khía cạnh như thế nào và khó khăn của cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lí vi phạm bản quyền tác giả trên internet?
Vi phạm bản quyền trên internet, môi trường kĩ thuật số, kể cả trong truyền thông là vấn đề cả thế giới đang quan tâm.Việc vi phạm là việc truyền đạt tác phẩm, cuộc biểu diễn trên môi trường kĩ thuật số rất nghiêm trọng, thực sự đáng báo động. Hầu hết các website kinh doanh về âm nhạc, đưa các tác phẩm lên chưa thực hiện nghĩa vụ của mình với chủ thể quyền tác giả.
Họ đưa lên với nhiều động cơ, có thể để lấy tiền quảng cáo, hay phục vụ việc download của người tiêu dùng nhằm kiếm tiền, sinh lợi, nhưng không thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho người nắm giữ bản quyền. Các website cũng xâm phạm quyền của nhau, ví dụ sử dụng các tác phẩm, bản ghi từ một website khác về website của mình nhưng không có sự thỏa thuận, xin phép tác giả.
Vấn đề phát hiện, xử lí vi phạm cũng là thách thức cho cơ quan thực thi. Bởi vì việc này liên quan đến công nghệ. Chính vì vậy chúng tôi đã phải tổ chức các lớp tập huấn, trang bị các kiến thức điều tra mạng, vào mạng để điều tra các hành vi xâm phạm quyền tác giả, nhưng lực lượng này vẫn chưa vươn tới để đáp ứng yêu cầu kiểm tra, xử lí.
Được biết Bộ Thông tin &Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch đang xây dựng Thông tư liên tịch về giải quyết tranh chấp quyền tác giả trên môi trường mạng Internet. Ông có thể cho biết một số điểm nổi bật của dự thảo thông tư này?
Thông tư này là đỏi hỏi bức thiết. Bởi lẽ, trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp để xử lí trong tình trạng sử dụng bản quyền trên internet. Đó là việc yêu cầu phía sử dụng phải tự tháo bỏ khi chủ thể quyền có yêu cầu. Trong trường hợp cố tình vi phạm, không tháo dỡ, cơ quan Nhà nước có quyền xử lí hành chính hoặc chủ thể quyền đưa họ ra tòa. Cơ chế này đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Chúng tôi cũng nghiên cứu và tìm hiểu tài liệu của các nước để đưa vào Thông tư liên tịch này.