Hiệu quả chuyển đối cơ cấu cây trồng tại Hải Dương trong giai đoạn 2006-2010

Chăm sóc dưa hấu - ảnh: Hồng Hạnh Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trồng trọt chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả trên 01 ha đất nông nghiệp được nâng lên, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành ở nhiều địa phương gắn với đảm bảo dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm của các tư thương với nông dân, các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác được áp dụng mạnh mẽ. Đó là kết quả của Đề án "chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao" giai đoạn 2006-2010 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện.
Hiệu quả chuyển đối cơ cấu cây trồng tại Hải Dương trong giai đoạn 2006-2010
Trước hết là việc chuyển dịch cây lúa: vụ chiêm xuân đã giảm trà xuân sớm từ 36,5% xuống 21,75%, tăng trà xuân muộn từ 63,5% lên 78,3%; Vụ mùa giữ tỷ lệ trà mùa sớm 35% để trồng cây vụ đông sớm, tăng trà mùa trung từ 51,3% lên 61,8%, giảm trà mùa muộn từ 10,1% xuống còn 4,1 % (chủ yếu giữ vùng lúa nếp đặc sản ở Kinh Môn, Kim Thành). Đã đưa nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, kháng bạc lá và các giống lúa ngắn ngày để tăng vụ, hiện đang phát huy hiệu quả tốt. Thay đổi phương thức gieo cấy lúa: vụ chiêm xuân đã tăng tỷ lệ gieo cấy bằng mạ non (mạ sân, gieo thắng) từ 58,5% năm 2006 lên 69,5% năm 2010, là cơ sở để thâm canh tăng năng suất; Đã đưa nhiều tiên bộ kỹ thuật vào sản xuất như: công cụ sạ hàng, tưới tiêu xen kẽ, sử dụng phân bón hỗn hợp, chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thu hoạch bằng máy, sản xuất lúa theo VietGAP...Diện tích lúa lai và lúa chất lượng tăng lên rõ rệt, lúa lai từ 8,2% lên 14,5%, lúa chất lượng từ 7,5% lên 28,9%.
Diện tích cây ngô và khoai lang giảm, chuyển từ cây ngô làm lương thực sang sản xuất ngô giống và trồng ngô nếp, ngô ngọt làm quà, trồng các giống khoai lang chất lượng cao để bán.
Chuyển dịch theo hướng giảm dần những giống cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp hoặc tiêu thụ khó khăn sang phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ. Hình thành các ngành hàng sản xuất quan trọng như: hành tỏi, cà rốt, cà chua, cải bắp, su hào, khoai tây, bí xanh, dưa ớt, củ đậu, vùng sắn dây, rau xanh các loại. Duy trì diện tích vụ đông 23.500 ha, vụ xuân hè gần 8.000 ha, vụ hè thu trên 7.000 ha.
Đã tổng kết và xác định được một số công thức luân canh hợp lý, tạo ra giá trị sản xuất đạt 150-300 triệu đồng, gồm các công thức 3-5 vụ/năm; đã xác định được một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao như hành tây (lãi 7,3 triệu đồng/sào), ớt (lãi 6,6 triệu đồng/sào), cà rốt (lãi 6,3 triệu đồng/sào)...Bước đầu hình thành một số phương thức sản xuất mới: thuê đất sản xuất rau quanh năm, quy mô 0,3ha tại xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ), trồng măng tây chuyên canh 0,3ha tại Minh Hòa (Kinh Môn), hơn 0,3 ha tại xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng); thuê đất thời vụ để sản xuất vụ đông (10 ha súp lơ) tại xã Gia Xuyên (Gia Lộc), 10 ha trồng khoai tây tại thị trấn Thanh Miện. Năm 2010, diện tích cây ăn quả là 21.635 ha, tăng 176 ha so với năm 2005. Sản lượng cây ăn quả hàng năm đạt 190.000 tấn (vải chiếm 60%).
Trong quá trình thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2006-2010" thì nhiều dự án thực hiện đạt kết quả tốt như: Dự án vùng giống lúa hàng hóa chất lượng cao thực hiện từ năm 2008-2010, trong đó sản xuất giống SNC, NC 5,5ha/vụ, đủ giống cho sản xuất giống xác nhận; Dự án sản xuất rau an toàn từ năm 2006-2008 đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Phạm Kha (Thanh Miện, Gia Xuyên (Gia lộc), cà rốt ở cẩm Giàng...kết quả qua các đợt kiểm tra chất lượng, tất cả các mẫu rau của tỉnh đều đảm bảo an toàn theo quy định, đã xuất khẩu trong và ngoài nước nhiều loại rau, được bạn hàng chấp nhận); Dự án phát triển cây ăn quả đang triển khai dự án QSEAP để xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm an toàn gắn với tiêu thụ tại Thanh xá, Thanh Hà.; Dự án xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng Măng tây ở Kinh Môn, trồng hoa ở Ái Quốc...ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; Dự án cơ giới hóa trong nông nghiệp như cho nông dân vay vốn để mua 966 ô tô tải nhẹ, 57 máy làm đất. Các địa phương cũng đã đưa nhiều công cụ sạ hàng, máy làm đất, vận chuyển máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất. Năm 2010 toàn tỉnh đã làm đất bằng cơ giới đạt 89%, tưới nước chủ động 95% có 20% diện tích được tưới tiêu khoa học.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn một số tồn tại như: sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún là phổ biến, sự liên kết trong sản xuất (liên kết 4 nhà) chưa được mở rộng, sản xuất chưa gắn với tiêu thụ sản phẩm; chất lượng nông sản chưa cao, vùng sản xuất an toàn, sản phẩm an toàn được chứng nhận chất lượng có rất ít; cây vải bị ảnh hưởng nặng của biến động thời tiết và thị trường, do giá thấp nông dân không đầu tư chăm sóc nên năng suất và chất lượng không cao. Đầu ra không ổn định, được mùa mất giá, được giá mất mùa...
Với những kết quả đạt được trong giai đoạn 2006-2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2011-2015" với mục tiêu chung: Tiếp tục chuyển đổi cơ câu cây trồng để phát triển trồng trọt theo hướng thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng nhanh giá trị sản xuất và lợi nhuận trên 01 ha đất; phát huy tối đa lợi thế các cây trồng chủ lực, mùa vụ, các vùng truyền thống với quy mô thích hợp đảm bảo phát triển ổn định, bền vững; đua nhanh các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất; duy trì diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị cây ăn quả theo hướng bền vững.
Nguyễn Thị Thuận (Tổng hợp)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây