Hiệu quả lớn từ một "sáng chế nhỏ" của nông dân

"Sáng chế nhỏ" - đó là cách nói khiêm tốn của anh Vũ Đình Phúc, nông dân sản xuất giỏi ở phường 7, TP. Đà Lạt - Lâm Đồng về chiếc máy sản xuất phân vi sinh từ rác thải trồng rau, hoa... ở vùng chuyên canh rau hoa hàng đầu nước ta - TP Đà Lạt. Sáng chế của anh đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng trao giải nhì về sáng tạo khoa học kỹ thuật và chọn tham gia giải thưởng toàn quốc vào tháng 5/2012.
Hiệu quả lớn từ một
Anh Vũ Đình Phúc cho biết: từ thực tiễn trồng rau, hoa của gia đình cũng như của nông dân Đà Lạt cho thấy nhu cầu về phân bón hữu cơ là rất lớn; cùng đó, vấn đề giữ gìn môi trường tự nhiên Đà Lạt trong sạch trong quá trình trồng rau, hoa cũng là điều cần đặc biệt quan tâm. Từ suy nghĩ đó, anh đã mày mò, sáng chế được chiếc máy chế biến rác thải thành phân vi sinh để phục vụ việc trồng rau hoa.
Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006, chiếc máy tự chế đầu tiên của anh ra đời với công suất khá nhỏ: chế biến được 3m3/giờ và chưa hoàn thiện cả về quy trình vận hành của máy cũng như sản phẩm phân vi sinh được sản xuất từ chiếc máy này. Anh tiếp tục cải tiến và đến nay, máy sản xuất phân bón vi sinh từ rác thải đã hoàn chỉnh. Với 2 bộ phận chính là mô-tơ và cối xay, cùng với một băng chuyền, chiếc máy có thể nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm và một số phụ liệu nông nghiệp để dùng làm phân hữu cơ. Máy có 3 tầng: tầng cắt thô rác thải, tầng xay nhuyễn và tầng nghiền mịn, hoàn thiện sản phẩm. Công suất máy lên 10 m3/giờ. Giá thành sản xuất mỗi máy này khoảng 35 triệu đồng.
Theo tính toán thực tế của anh Vũ Đình Phúc, hiệu quả kinh tế từ việc chế biến, sử dụng phân vi sinh này là rất lớn. Trước tiên là phân vi sinh rất phù hợp, tốt cho việc trồng rau, hoa, làm tăng năng suất cây trồng so với bón một số loại phân khác. Nếu sử dụng phân vi sinh này thay cho các loại phân hữu cơ khác, bình quân mỗi ha tiết kiệm khoảng 70 triệu đồng/năm. Với mức này, chỉ cần khoảng 50% diện tích rau, hoa ở Đà Lạt sử dụng phân vi sinh thay thế cho các loại phân khác, lợi ích về kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Nổi bật hơn một số sáng chế khác của các kỹ sư chân đất đó là lợi ích về mặt môi trường. Lâu nay, rác thải từ trồng rau, hoa – nhất là các loại rau họ thập tự luôn là vấn nạn ở Đà Lạt. Lượng rác thải lớn (chủ yếu xả ra từ việc cắt tỉa rau thành phẩm) thường bị người trồng rau bỏ ra trên bờ cho tự phân hủy đã gây ô nhiễm nhiều mặt. Chính quyền và các cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở việc xử lý để giữ vệ sinh môi trường song do thói quen cũng như để "tiết kiệm" chi phí nên nhiều nông dân trồng rau, hoa vẫn không thực hiện. Với việc sử dụng rác thải nông nghiệp, chiếc máy chế biến phân vi sinh của anh Vũ Đình Phúc hứa hẹn góp phần làm sạch môi trường "chất thải nông nghiệp" ở Đà Lạt. Cùng đó, phân vi sinh từ rác thải này sử dụng vào trồng rau, hoa thay thế cho một số loại phân khác, nhất là phân xác mắm (chất bã còn lại từ các loại cá biển sau khi sản xuất nước mắm), vốn được người trồng rau ở Đà Lạt sử dụng nhiều thập niên qua, làm đất trồng rau bị trơ, không thấm nước...
Anh Phúc cho biết, đến nay anh đã sản xuất và bán được 21 máy do mình sáng chế, trong đó nông dân ở nhiều tỉnh như: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận... và tận Bắc Giang đến mua. Từ sáng chế của anh, Hội nông dân Đà Lạt đã triển khai các mô hình tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường. Hiện có 8 tổ với hơn 100 hộ nông dân tự nguyện tham gia. Hoạt động chính của các tổ tự quản này là tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hướng dẫn cách thức thu gom, phân loại và xử lý chất thải để tái chế thành phân hữu cơ, tiến hành thu gom tất cả lượng rác rau, hoa của nông dân mang đến bán cho các cơ sở chế biến phân vi sinh trên địa bàn...
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng: Để có thể giúp nông dân tự thu gom phế phẩm nông nghiệp, chế biến phân vi sinh theo mô hình của anh Vũ Đình Phúc cần tuyên truyền rộng mô hình này ở các vùng chuyên canh rau, hoa lớn của Lâm Đồng để nông dân thấy rõ hơn những lợi ích thiết thực, cụ thể mà họ sẽ có được khi sử dụng máy chế biến phân vi sinh này. Đồng thời, với các nguồn kinh phí của chương trình khuyến công, khuyến nông..., địa phương nên có chính sách hỗ trợ để sản xuất máy hàng loạt và nhất là hỗ trợ nông dân mua máy để làm các "mô hình điểm" tại các vùng chuyên canh rau, hoa...
Với việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng sản phẩm của mình vào trồng rau, hoa trên diện tích 1,5 ha của gia đình, anh Vũ Đình Phúc cho biết: mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh đạt mức lợi nhuận ròng từ trồng rau, hoa lên đến hơn một tỷ đồng. Anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương bình quân 3,2 triệu đồng/ tháng và tạo thêm việc làm cho hơn 100 lao động khi vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch...
Phan Văn Đông (TTXVN)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây