Phát hiện bệnh gout bằng chụp CT

Kỹ thuật chụp CT, tức chụp cắt lớp điện toán năng lượng kép cũng có giá trị để chẩn đoán những người không thể xét nghiệm bằng phương pháp rút dịch từ khớp điển hình.
Phát hiện bệnh gout bằng chụp CT
Ông Tim Bongartz, chuyên gia về thấp khớp tại Bệnh viện Mayo ở Rochester (bang Minesota, Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, chụp điện toán cắt lớp năng lượng kép gần đây đã được chỉnh sửa để phát hiện những tinh thể và nghiên cứu cho thấy, các ảnh quét “rất chính xác” trong việc xác định bệnh nhân bị gout, theo trang tin Top News.
“Chúng tôi muốn thử thách phương pháp mới này bằng cách kiểm tra những bệnh nhân chỉ mới chớm mắc bệnh”, ông Bongartz nói.
Bệnh gout, tức sự hình thành các tinh thể axít uric trong và quanh khớp, gây viêm, đau và thậm chí có thể gây tàn phế, được xem là căn bệnh của những người giàu có nhưng thật ra nó ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội.
Đàn ông dễ bị gout hơn, nhưng phụ nữ cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng cao sau thời kỳ mãn kinh, khi nồng độ axít uric của họ gần với của nam giới. Việc điều trị thường bao gồm thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Các bác sỹ thường kiểm tra bệnh gout bằng cách sử dụng một cây kim để hút dịch từ khớp bị ảnh hưởng của bệnh và kiểm tra dịch này để tìm tinh thể axít uric.
Ông Bongartz lưu ý rằng, chụp CT tốn kém nhiều hơn đáng kể so với xét nghiệm tiêu chuẩn cho bệnh gout. Ông cũng cảnh báo rằng, tuy độ chính xác tổng thể cao, trong một nhóm nhỏ bệnh nhân được nghiên cứu - những người bị bệnh rất cấp tính - việc chụp CT không phát hiện được 30% trường hợp mắc bệnh.
Công cụ mới này hữu ích nhất khi không thể lấy được dịch khớp hoặc quá trình phân tích dịch cho kết quả âm tính cả khi bệnh nhân bị nghi ngờ có khả năng mắc bệnh gout cao, ông cho biết.
                                                                         Theo tạp chí hoạt động khoa học

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây