Hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn). Trước đây, hệ thống này có 54 văn bia, tuy nhiên do tác động của thiên nhiên và chiến tranh nên đến nay chỉ còn 47 văn bia có thể đọc được.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ có giá trị cao Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 về việc công nhận bảo vật quốc gia (Đợt 6) gồm 24 bảo vật quốc gia, trong đó có hệ thống bia ma nhai Động Kính Chủ (Niên đại: Thế kỷ XIX - đầu XX, hiện lưu giữ tại Di tích Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Động Kính Chủ không chỉ là một cảnh quan của tạo hóa, là cảnh đẹp thứ 6 của trời Nam, động đẹp thứ nhất trong các động của huyện Kinh Môn (động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít, động chùa Mộ…). Động Kính Chủ cũng là động có nhiều bia nhất nước ta với hơn 50 tấm bia khắc vào vách đá trong động. Những bia đá này đều do thợ đá quê ngay Kính Chủ (làng Dương Nham) khắc. Nghề chạm khắc đá ở Dương Nham là nghề có từ lâu đời, ít nhất cũng từ thời Trần, đến nay vẫn còn giữ được và phát triển.
Các bia đá trong Động Kính Chủ nên không bị mưa nắng bào mòn, trải qua từ 600 - 700 năm, nét chữ hiện vẫn rõ, nhiều chỗ như mới khắc. Đó là thế mạnh của bia đá ở đây, khác với các bia dựng nơi Đình, Miếu, Chùa chiền hầu hết phơi ngoài mưa nắng, chữ mờ, bia mốc do rêu phong. Các bia đá trong Động, tác giả là những vua chúa, quan lại, nhân sĩ, trí thức, du khách, xã quan ở mọi nơi và cả ở địa phương. Chữ khắc trên bia chủ yếu là chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Quốc Ngữ. Nội dung các bia cũng rất phong phú: Bia công đức cho việc làm và trùng tu chùa, tu tạo hang động, cảnh quan, tạo tượng Phật, trồng cây, ghi tên các hội viên của Hội Tư Văn huyện Hiệp Sơn, làm cầu, làm đường đá, nghề đục khắc đá, ghi tên các cụ già có công với làng, với chùa, bia ghi các Hậu Phật, ghi danh các tiến sĩ ở huyện Hiệp Sơn, ghi tên hội viên Hội Tư Văn Tổng Kính Chủ, quy định việc tế lễ người có công đức, cả những ghi chép mang tính bút ký về cảnh vật. Đặc biệt, trong hơn 50 tấm bia ấy có nhiều bài thơ chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ.
Trong bảo tàng Văn bia của Động Kính Chủ, Văn bia cổ nhất là “Đăng thạch Môn Lưu Đề” được viết vào ngày mồng 5 tháng 9 năm thứ 114 triều Trần (tức năm 1368). Do Thái Học Sinh Nhập nội hữu nạt ngôn Phạm Sư Mạnh viết. Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ (vì trùng tên với Trần Thủ Độ nên Trần Minh Tông đổi tên thành Phạm Sư Mạnh). Ông còn có tên tự là Nghĩa Phu, tên hiệu là Úy Trai, biệt hiệu là Hiệp Thạch quê ở Hiệp Sơn (nay là thôn Hiệp Thạch, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn). Ông là học trò của nhà giáo Chu Văn An, bạn rất thân của Lê Quát (cũng giỏi thơ văn, học cùng một thời và lấy em gái của Phạm Sư Mạnh).
Đời Trần Minh Tông (ông vua thứ 5 của triều Trần làm vua từ năm 1314 đến năm 1329) Phạm Sư Mạnh đậu Thái Học Sinh (Tiến Sỹ) và được bổ nhiệm làm quan trong triều từ năm 1323. Phạm Sư Mạnh bắt đầu bước vào con đường quan lại thì cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 (1288) đã kết thúc được 35 năm và Trần Hưng Đạo mất (1300) cũng đã 23 năm. Đến đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) ông giữ nhiều chức trách. Năm 1345 ông đi sứ sang nhà Nguyên; năm 1346 giữ chức Chưởng Bạ Thư kiêm Khu Mật Tham Chính. Năm 1358 giữ chức Nhập Nội Hành Khiển Tri Khu Mật Viện Sự; năm 1359 làm Hành Khiển Tả Ti Lang Trung; năm 1362 lại làm Tri khu Mật Viện Sự rồi thăng chức Nhập Nội Nạp Ngôn, và đã từng đi kén duyệt quân 5 Lộ để chấn chỉnh biên phòng.
Ông có gần 50 năm làm quan trong triều qua 3 đời vua nhà Trần là Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông nhưng vẫn giữ được sự liêm chính, trung thực. Ở đời vua Trần Dụ Tông, thầy giáo Chu Văn An dâng sớ chém đầu 7 tên quan trong triều có nhiều tội lớn. Nhà vua không nghe. Thầy treo mũ áo tại cửa Huyền Vũ (phía Bắc thành Thăng Long) về núi Phượng Hoàng (Chí Linh) ở ẩn. Khi vua Trần Dụ Tông mất, Phạm Sư Mạnh xin với quan Đô Áp Nha Thống Chế phái quân về quê quán từng tên có trong thất trảm sớ và truy tìm những tên chạy trốn để nghiêm trị. Kết quả cả 7 gian thần không tên nào sống sót.
Không chỉ là một ông quan thanh liêm, Phạm Sư Mạnh còn viết văn, làm thơ. Ông có “Hiệp Thạch văn Tập” (tập văn xuôi), cùng 41 bài thơ chép trong “Toàn Việt Thi Lục”. Ngày 5/9/1369, Phạm Sư Mạnh đi duyệt quân 5 Lộ vùng Đông Bắc đã chọn động Kính Chủ làm nơi ở và đọc sách trong thời gian công vụ. Xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên, núi sông hùng vĩ và hào khí thời đại, ông đã làm bài thơ, viết lên vách đá và cho thợ đá Kính Chủ khắc theo nét bút của ông. Bài thơ ấy nay vẫn còn, ở vách đá ngay cửa động bên trái (đứng ngoài nhìn vào). Bài thơ do Phạm Trọng Điểm dịch
Đăng Thạch Môn lưu đề
Bạch Đằng cuồn cuộn ba đào
Tưởng thuyền Ngô chúa thét gào năm xưa
Trùng Hưng nhớ đức hai vua
Xoay vần trời đất có thừa tài hoa
Ngàn thuyền hải phố xông pha
Giáp môn hàng vạn cờ đà tung bay
Dựng cột trời, trở bàn tay
Nước sông rửa sạch mọi bày tanh hôi
Đến nay bốn bể hoan hô
Còn ghi công đức Cầm Hồ năm nao.
Bên cạnh bài thơ còn có tên ông. Ngoài ra ông còn cho khắc trên vách động 4 chữ “Vân Thạch Thư Thất” kèm 4 chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh Thư”, nghĩa là “Nhà Sách Vân Thạch, Phạm Sư Mạnh viết”.
Động Kính Chủ hấp dẫn bởi những văn bia ma nhai độc nhất vô nhị đều được tạc vào vách đá, vách động. Vua chúa, quan lại, danh nhân nhiều thời đại đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh sông núi kỳ vĩ và để lại những dòng suy tư với đất nước, thời cuộc. Cảm xúc đó được thợ đá ở đây ghi lại bằng những tấm bia tạc vào vách động, vách đá. Trong đó, đặc sắc nhất là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động, khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) khi ông đến thăm nơi này. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông viết trên nóc động Kính Chủ, không có tựa đề vè niên hiệu căn cứ bài thơ của Phó Mã đề năm Hồng Đức Đinh Mùi, ngờ rằng bài thơ này viết vào mùa xuân 1488. Lời tựa cho biết, nhân một cuộc hành quân, vua qua động, cảm khái trước cảnh kỳ thú mà viết bài thơ này, gồm 22 câu 7 chữ. Bia đã được Viễn Đông bác cổ in dập nguyên bản từ trước năm 1940. Đây là một trong những bài thơ hay của Nam Sơn Động Chủ, bút danh của Lê Thánh Tông. Thơ được Ngự tiền học sĩ Hoàng Đàn viết chữ, Chánh chưởng thợ điêu khắc.
Nam Thiên Động Chủ đề của Lê Thánh Tông.
Trên núi Thạch Môn ta đến nơi,
Nhà vắng, song cao, chữ sáng ngời.
Cửa lớn hiện lên ngôi chùa Động,
Đá kỳ cao thấp tựa rừng cây.
Chẳng phải quỷ thần cũng đẽo gọt
Mà công phu tinh xảo tuyệt vời.
Ngoảnh nhìn tám hướng mênh mông thế
Trời xanh bất tận núi muôn nơi.
Động không khóa mở ra cửa rộng
Như riêng một tầng trời để ta đi.
Tấm lòng cao quý như vàng mới luyện
Người và ta nơi sơn cước như nhau
Nước sông trong,mắt thầy tu xanh biếc
Biển núi nhấp nhô như tượng Đầu xanh.
Trên lưng rùa vàng là đất vườn kỳ thú
Ngôi nhà quý sáng ngời như trong thành Xá Vệ
Chim mỏi giấu mình nơi kín đáo
Mây nhàn vô ý lạc trên sân
Gió đông mưa tạnh trời trong sáng
Vài đám khói tan rực sắc trời.
Việc nước dư nhàn tìm thắng tích
Cả đời say, nay tỉnh với thiên nhiên
(dịch nghĩa)
(Theo tập thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, NXB Văn Học-2003)
Du khách đến với “Nam thiên đệ lục động” không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức thơ văn mà còn thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tìm hiểu lịch sử. Đây là một bảo tàng đá thiên nhiên, lưu giữ các văn bia, tác phẩm điêu khắc là những bút tích của các bậc hiền nhân, vua chúa, quan lại, nhân sĩ… từ cuối triều Trần đến cuối triều Nguyễn.
Hải Ninh