Sáng 18/5/2021, tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (TP.Hải Dương), UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước, trong đó có 5 điểm cầu trong nước và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều điểm cầu phụ. Có gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự hội nghị, về đại biểu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công thương; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; các ban ngành Trung ương.
Tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức Lễ hội vải thiều năm 2021.
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu có đại diện các Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ Việt Nam ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện kết nối, tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP năm 2021 của tỉnh Hải Dương. Cũng là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp các đơn vị liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng thị trường. Hội nghị sẽ góp phần giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay toàn tỉnh Hải Dương có 9.168 ha vải thiều, dự kiến sản lượng vải quả 55.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP: 45 vùng, diện tích 450ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn. Diện tích sản xuất theo VietGAP: 6.300 ha. Diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích khoảng 8.000ha. Hiện tại, vải thiều trà sớm (U trứng) đang thu hoạch; vải thiều trà trung (U hồng, U thâm, lai Thanh Hà), đang đẫy cùi, báo mã; trà vải thiều chính vụ đang giai đoạn quả non, một số diện tích đang làm cùi. Dự kiến trà vải thiều sớm và trà vải thiều trung khoảng 30 nghìn tấn; trà vải thiều chính vụ khoảng 25 nghìn tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020.
Với chất lượng, đặc trưng riêng có, đặc sản vải thiều Thanh Hà đã được: Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý năm 2007; Tốp 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn năm 2012; Tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn, Tốp 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn năm 2013; “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Tốp 10 sản phẩm uy tín chất lượng năm 2014; Tốp đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng năm 2015”. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã Xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)” cho cây vải tổ Thúy Lâm vào ngày 16/11/2015.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao Hải Dương đã sản xuất, tiêu thụ nông sản, bằng tài hoa, trí tuệ, tâm huyết, nông dân Hải Dương đã tạo nên một bức tranh nông nghiệp đa dạng, phong phú. Bộ trưởng đánh giá vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù thời gian qua do tình hình phức tạp của dịch bệnh, gây đứt chuỗi cung cầu, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song, Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã khẳng định: Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng của sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Cùng với chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu là một thách thức lớn. Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã bấm nút khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên các sàn thương mại điện tử. Ngay sau khi khởi động chương trình, đại diện bốn sàn thương mại điện tử, gồm: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Lazada.vn cùng ký kết thỏa thuận hợp tác với bốn đơn vị sản xuất, thu mua vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương.
Hải Ninh