Hấp dẫn du lịch trải nghiệm vườn vải Thanh Hà

Nổi tiếng là "miền Tây thu nhỏ", vùng cây ăn quả ở Thanh Hà đang vào mùa vẫy gọi du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.

Hấp dẫn du lịch trải nghiệm vườn vải Thanh Hà
Không gian trong lành
Về khu Hà Đông bây giờ, du khách sẽ được thưởng thức những chùm vải thiều sớm thơm ngon. Năm nay, chị Hoàng Thị Mây ở Hà Nội đã bố trí công việc đến thăm vùng vải từ rất sớm vì lo dịch Covid-19 bùng phát thì khó về. Vừa tham quan, chị Mây cũng đã lựa chọn những cây vải ngon để đặt mua vải làm quà biếu. Thấy mỗi năm về vải lại đẹp hơn nên chị rất hài lòng. "Về Thanh Hà không chỉ mua vải mà tôi rất muốn tận hưởng không gian trong lành ở đây. Những vườn vải sum suê trái ngọt giúp chúng tôi vơi đi những căng thẳng trong công việc hằng ngày, thấy thoải mái, gần gũi với thiên nhiên hơn", chị Mây nói.
Thanh Hà là mảnh đất trù phú với nhiều loại trái cây theo mùa. Với lợi thế vùng cây ăn quả đặc sản nên nhiều năm nay tại địa phương đã dần hình thành những tour du lịch miệt vườn và là khu trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh. Cùng với giáo dục di sản, thầy cô giáo của Trường Tiểu học Thanh Quang (Thanh Hà) đã nhiều lần tổ chức cho học sinh đi thăm vườn vải. Qua đó, giáo viên đã giới thiệu về loại cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân khu Hà Đông. Em Nguyễn An Bình, học sinh lớp 5B của trường cho biết: "Mỗi khi được nhà trường tổ chức cho đi thăm vườn vải, chúng em thấy tự hào vì quê hương mình có loại cây được trong và ngoài nước biết đến. Đó cũng là cơ hội cho chúng em hiểu nhiều hơn về cây vải để giới thiệu với bạn bè".
Nhiều năm nay, khách đến tham quan vườn vải không chỉ là người địa phương mà còn có du khách ở các tỉnh, thành phố khác và cả nước ngoài. Thanh Hà chính là nơi có cây vải tổ, quả vải Thanh Hà nổi tiếng thơm ngon nên ai cũng muốn một lần về thăm, thưởng thức. Cái hay ở vùng quê này chính là sự sáng tạo của người dân. Từ quả vải thiều chính vụ mỗi năm chỉ thu hoạch vào tháng 6, người dân đã ghép cành, lai tạo ra loại vải sớm thơm ngon không kém cho thu hoạch từ tháng 5, giúp kéo dài mùa thu hoạch. Thanh Hà có những vườn vải nằm dọc các dòng sông có thể tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn như trải nghiệm ngồi thuyền trên sông mùa vải chín, thu hoạch vải... ở khu Hà Đông, Hà Nam, tiểu khu du lịch thôn Đồng Mẩn, xã Thanh Khê. Ngoài hái vải, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác như thong dong ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên, câu cá giải trí bên bờ sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Gùa... 
Tiềm năng miệt vườn

Huyện Thanh Hà có gần 7.000 ha cây ăn quả, gồm hơn 3.300 ha vải chủ yếu ở khu Hà Đông, Hà Nam; 1.800 ha ổi ở khu Hà Tây, Hà Bắc; 500 ha chuối rải rác ở các xã An Phượng, Thanh Khê, Thanh Hải, Vĩnh Lập...; 220 ha bưởi tập trung ở xã Thanh Hồng. Mùa nào hoa trái ấy, những sản phẩm nông nghiệp đa dạng tạo cơ hội cho huyện Thanh Hà hình thành, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Năm 2020, huyện đã thu hút gần 20.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các vùng cây ăn quả, chủ yếu thăm vùng vải.  

Với ưu điểm đó, huyện Thanh Hà đã xây dựng Đề án "Phát triển các điểm du lịch gắn với sinh thái sông Hương" giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những đề án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV. Thanh Hà đã quan tâm xây dựng các vùng cây ăn quả, quy hoạch vùng sản xuất ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng vải xuất khẩu ở xã Thanh Sơn, vùng vải chính vụ, vùng ổi, chuối, mít... để góp phần phát triển du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của đề án từ năm 2021-2023, huyện sẽ tập trung đầu tư, khai thác khu miệt vườn Đồng Mẩn - Đồng Quao ở xã Thanh khê; khu vực có cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn và khu sản xuất ổi VietGAP ở xã Liên Mạc.

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết ngoài chú trọng tuyên truyền về tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch; thực hiện tốt việc giám sát đề án, dự án phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm tại vùng cây ăn quả đã được quy hoạch. Huyện sẽ mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích phát triển hình thức du lịch cộng đồng, hình thành mô hình từng gia đình, từng người dân trực tiếp làm du lịch. Song song với đó, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương; liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, giới thiệu nông sản tiêu biểu của huyện. Đề án sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch của huyện Thanh Hà, giúp du khách có thêm không gian trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.

Theo BHD

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay54,035
  • Tháng hiện tại1,251,691
  • Tổng lượt truy cập3,956,895
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây