Công nghệ số chính là sự phát triển bước tiếp theo của Công nghệ thông tin (CNTT) qua phần mềm, mạng máy tính, máy tính được sử dụng riêng lẻ, tự động hóa những việc đang làm theo cách thủ công. Công nghệ số thay trí tuệ con người, CNTT thay thế lao động chân tay, ngoài ra Công nghệ số còn tạo ra một nguồn tài nguyên mới về dữ liệu để mọi người dùng chung thông qua không gian mạng. Khi sử dụng Công nghệ số hay chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ 4.0 như AI, Big Data, IoT…để phân tích dữ liệu, biến đổi chúng và tạo ra một giá trị mới. Tóm lại, chuyển đổi số là mức độ cao hơn số hóa, giống như một pha hoàn thiện của số hóa. Ví dụ: Phần mền kế toán với Công nghệ số thì các tính năng nổi bật sẽ thay đổi vị thế của kế toán: Làm việc mọi lúc, mọi nơi qua Internet; kết nối ngân hàng điện tử; kết nối với cơ quan thuế...
Việc áp dụng và chuyển đổi sang công nghệ số sẽ làm mất đi một số vị trí việc làm không cần thiết, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các ngành nghề phát triển thông qua sự đào tạo, cung cấp và kết nối thông tin số, tận dụng thời gian làm việc trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào thông qua nền tảng số để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ xa giúp cho việc quản lý một cách dễ dàng hơn thông qua điện thoại di động, Ipad…
Theo khảo sát của Ngân hàng (Word Bank) 59% doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang nền tảng số tính đến 10/2020. Trong năm 2020 đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời và tăng 28%. Ước tính từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ Công nghệ thông tin của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD (năm 2020), tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD ). Sang năm 2021, Statista dự báo doanh thu lấy lại đã tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ, con số dự phòng năm nay là hơn 1,18 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.
Để sớm nắm bắt cơ hội chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã xác định chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh đến năm 2025, định hướng phát triển đến 2030. Với mục tiêu xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân...Các doanh nghiệp của tỉnh cần quan tâm môt số vấn đề:
Thứ nhất, cần lựa chọn phương thức chuyển đổi số, cùng với xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp trước xu hướng mới đang định hình, tránh hiện tượng nóng vội, chủ quan, duy ý chí; cần quan sát, xem xét lĩnh vực ưu tiên đầu tư để chuyển đổi trước cho phù hợp.
Thứ hai, đánh giá lại đội ngũ đội ngũ chuyên gia quản lý trong các bộ phận, dây chuyền sản xuất. Ngoài kiến thức chuyên môn, các chuyên gia này cần phải đào tạo lại để cập nhật thêm kiến thức và nắm bắt, hiểu về công nghệ số để khai thác, quản lý và vận hành quy trình sản xuất sau khi thực hiện chuyển đổi số. Đây là yếu tố quyết định của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thứ ba, cần có kế hoạch đào tạo công nhân để có thể sử dụng các công cụ số, và thích ứng với việc thay đổi các thao tác trong công việc hàng ngày.Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và chuyển đổi phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp nếu không chịu thay đổi ắt sẽ bị tụt lại phía sau. Việc áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng. Sẵn sàng đối phó với mọi sự thay đổi từ thị trường. Đồng thời tăng sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp trong việc tương tác với khách hàng, nâng cao hiệu suất công việc, thức đẩy doanh thu, dễ dàng quản lý tập trung, tạo ra nguồn doanh thu mới, tiết kiệm chi phí khi tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ số từ đó nhanh chóng đưa ra chiến lược để thúc đẩy cải tiến doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Do đó, đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này cần có sự chủ động, đi trước. Đồng thời, phải có những bước đi táo bạo, mạnh mẽ để tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này đem lại. Từ đó nhằm cụ thể hóa hoàn thành mục tiêu đưa đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại./.
Bài của TS Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở KHCN và Thu Trang, Chi cụ TC ĐL CL
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2021.