Hải Dương: Phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng hàng hóa

Những năm qua, có một số cơ sở, gia trại, trang trại sản xuất nấm ăn tập trung nhiều ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Thanh Hà và TP.Hải Dương. Sản xuất nấm ăn đã trở thành một nghề và tạo được nhiều công ăn việc làm cho một số lao động nông nhàn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương: Phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng hàng hóa

Sản xuất nấm ăn đã đem lại thu nhập cho người lao động, hiệu quả kinh tế đối với các gia trại, trang trại và cơ sở sản xuất nấm. Sản xuất nấm với nhiều lợi thế như tận dụng nguồn lao động và nguyên liệu tại chỗ, thị trường nấm thương phẩm ổn định, sản phẩm nấm sơ chế, bảo quản thuận lợi,...Chính vì vậy, sản xuất nấm ăn thương phẩm được duy trì, mở rộng sản xuất và theo xu hướng gia tăng giá trị, sản lượng hằng năm.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất nấm đều không chủ động được khâu nhân giống nấm tại chỗ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có cở sở sản xuất giống nấm nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất và con người để chủ động cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng và số lượng cho các đơn vị trồng nấm, mà chỉ xuất hiện vài cơ sở sản xuất giống nấm tự phát. Chủng loại nấm sản xuất trên địa bàn còn rất ít, trình độ khoa học công nghệ, kinh nghiệm tổ chức trong việc nhân giống, nuôi trồng và bảo quản giống nấm còn nhiều hạn chế. Nguồn cung cấp giống nấm hiện nay đều phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất giống nấm ngoài tỉnh nên rất bị động, chất lượng lại không đảm bảo, gây nên nhiều bất cập cho người sản xuất. Bên cạnh những hạn chế chưa chủ động được sản xuất giống nấm, về công nghệ nuôi trồng nấm thương phẩm tại địa phương cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn. Các đơn vị sản xuất nấm chưa có đầy đủ các trang thiết bị chuyên dùng để sản xuất nấm: Máy nghiền nguyên liệu, dây chuyên phối trộn đóng túi mùn cưa, máy đảo trộn Compost, hệ thống tưới nấm, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Một vài công đoạn vẫn phải làm thủ công dẫn tới năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá thành cao, sức cạnh tranh kém. Việc xử lý và chế biến nguyên liệu trồng nấm tại địa phương còn đơn điệu, phổ biến chỉ sử dụng đơn nguyên liệu như rơm, rạ hoặc mùn cưa để trồng nấm. Công thức chế biến cũng đơn giản và thường dùng chung cho nhiều loại nấm khác nhau, nhất là việc tái sử dụng lại nguyên liệu cũ, mốc, hỏng để hạ giá thành sản xuất. Vì vậy, ngoài năng suất giảm, thì nguy cơ về dịch bệnh là áp lực thường xuyên đối với người trồng nấm hiện nay. Công nghệ nuôi trồng và chăm sóc nấm hiện nay chủ yếu là công nghệ tự phát, nhiều hộ nông dân thông qua tìm kiếm tài liệu trên mạng hoặc truyền miệng với các phương pháp không rõ ràng, không có quy chuẩn về chất lượng sản phẩm và tuân thủ các điều kiện sản xuất tối ưu như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ khiến năng suất và chất lượng nấm thấp. Việc thu hái nấm hoàn toàn theo cảm quan của cá nhân, không có căn cứ khoa học do đó chất lượng nấm thấp, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, không đáp ứng được các nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Nhìn chung kỹ thuật sản xuất nấm của tỉnh lạc hậu, chưa áp dụng được công nghệ khoa học mới vào sản xuất nên năng suất rất thấp, rất dễ dẫn đến các rủi ro không đáng có, trong quá trình sản xuất của các hộ dân và các cơ sở lại tự phát, không tập trung được mối liên kết trong sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm theo hướng hàng hóa. Những hạn chế đó dẫn đến khâu sản xuất, chế biến, bảo quản nấm thương phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về chất và lượng sản phẩm. Vì vậy, cần phải ứng dụng các công nghệ nhân giống và trồng nấm tiên tiến vào một số cơ sở sản xuất nấm tập trung trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, UBND tỉnh đã đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép tỉnh Hải Dương thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hàng hóa tại tỉnh Hải Dương” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”, thời gian thực hiện 30 tháng từ tháng 8/2018 - 01/2021 do Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương chủ trì thực hiện dưới sự hỗ trợ ứng dụng công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam).

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt kết quả theo mục tiêu ban đầu đặt ra và được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu trong tháng 7/2021 đạt loại“Khá. Công nghệ nhân giống và nuôi trồng nấm được Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương tiếp nhận là các công nghệ mới hiện nay, việc ứng dụng công nghệ mới này cho phép loại bỏ những tồn tại của công nghệ cũ như: Nhân giống nấm các loại trên nhiều loại cơ chất khác nhau (thóc hạt, cây sắn) với thời gian ăn sợi ngắn, sức sống của hệ sợi nấm mạnh; Giống nấm đạt tiêu chuẩn quy định (Tỷ lệ nhiễm hỏng ≤ 15%, hệ sợi nấm ăn đồng đều, có màu trắng đồng nhất, không lẫn các màu khác lạ…); Công nghệ nuôi trồng cho riêng từng chủng nấm trên cơ chất tổng hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như rơm rạ, bông hạt, thân lõi ngô, bã mía,…cho phép tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp hiện nay của tỉnh, giảm việc thu mua nguyên liệu nuôi trồng hoặc phôi bịch từ bên ngoài, từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất. Về công thức phối trộn nguyên liệu mới gia tăng năng suất, giảm hao hụt trong sản phẩm và đa dạng sản phẩm theo mùa vụ. Công nghệ bảo quản, sơ chế mới được áp dụng làm tăng thời gian bảo quản cho sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và tiến tới phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Dự án đã tiếp nhận và từng bước làm chủ được 6 quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản nấm Sò, nấm Rơm, nấm Mỡ, nấm Chân dài, nấm Trân châu, nấm Đầu khỉ và xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm Biomix - RR xử lý bã thải sau trồng nấm thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó có 07 hạt nhân là các kỹ thuật viên của Công ty đã được đào tạo nắm chắc và làm chủ được các quy trình công nghệ chuyển giao. Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương là Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khảo nghiệm giống xây dựng được mô hình sản xuất giống nấm cấp I, cấp II và kết quả đã sản xuất được 1.511 ống giống nấm cấp I và 3.148 chai giống nấm cấp II các loại cung cấp cho các cơ sở sản xuất nấm thương phẩm (cấp III). Xây dựng thành công mô hình sản xuất giống nấm cấp III và mô hình sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nấm tập trung tại Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương. Trong 2 năm từ năm 2019 - 2020 đã sản xuất được 50.885 kg giống nấm cấp III chất lượng cao và 274.133 kg nấm thương phẩm các loại có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Ngoài nấm tươi thương phẩm, Công ty cũng đã chế biến được 50 kg nấm Sò sấy khô, 50 kg nấm Đầu khỉ sấy khô và 160 kg nấm Mỡ đóng lọ salat đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự án cũng đã xây dựng được mô hình sản xuất nấm tại các trang trại liên kết đạt hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng mô hình và tạo lòng tin cho người dân. Mô hình đã sản xuất được 41,2 tấn nấm các loại, trong đó: Trang trại nấm Lộc Hằng sản xuất 13,2 tấn nấm Sò, nấm Mỡ và nấm Chân dài; HTX Nấm Thịnh Phong sản xuất 14,5 tấn nấm Sò và nấm Mỡ; Trang trại nấm Quang Phục sản xuất 13,5 tấn nấm Sò và nấm Đầu khỉ. Trong khuôn khổ nội dung dự án đã thực hiện xử lý được 450,2 tấn bã thải sau trồng nấm thành 137,32 tấn thành phẩm có thể bón trực tiếp cho cây trồng hoặc làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ; đăng ký nhãn hiệu, mã vạch cho các sản phẩm nấm và phát triểnthị trường sản phẩm nấm ăn của Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương.

Kết quả ứng dụng các công nghệ mới trong nuôi trồng nấm đã thu được hiệu quả kinh tế cao cho các cơ sở sản xuất. Phân tích hiệu quả kinh tế nuôi trồng một số loại nấm trên 1.000 kg nguyên liệu cho kết quả như sau: Tại Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương với mô hình trồng nấm Sò lãi 5.976.000 đồng, nấm Mỡ lãi 4.750.000 đồng, nấm Rơm lãi 2.200.000 đồng, nấm Chân dài lãi 5.255.000 đồng, nấm Trân châu lãi 4.470.000 đồng, nấm Đầu khỉ lãi 5.670.000 đồng; tại các trang trại liên kết với mô hình trồng nấm Sò lãi từ 3.584.000 đồngđến 5.746.000 đồng, nấm Mỡ lãi từ 3.430.000 đồng đến 3.630.000 đồng, nấm Chân dài lãi 3.440.000 đồng, nấm Đầu khỉ lãi 5.445.000 đồng.

Thông qua việc thực hiện dự án người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã giải quyết thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo nghề mới cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, ổn định kinh tế nông nghiêp, nông thôn. Mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng hàng hóa được xây dựng thành công tại Công ty TNHH sản xuất Nấm Hải Dương là địa chỉ tin cậy để người dân đến tham quan học tập. Thông qua đó sẽ tạo lòng tin cho người dân ở các địa phương khác mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng nấm nhằm phát triển nghề trồng nấm trở thành một trong những nghề mang tính chủ lực của tỉnh nhà, góp phần xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Bài của KS. Vũ Văn Tân, GĐ Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin Khoa học

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2021


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây