Mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng Đài thơm 8 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Giống lúa Đài thơm 8 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam chọn tạo là giống lúa thuần ngắn ngày, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, năng suất cao, chất lượng cơm gạo tốt, gạo thơm, đáp ứng được những chỉ tiêu trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay.
Mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng Đài thơm 8 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

 Giống lúa Đài thơm 8 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho sản xuất thử ở các tỉnh phía Bắc năm 2017 - 2018. Năm 2020, Trung tâm Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Khảo nghiệm giống đã xây dựng mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng Đài thơm 8 với quy mô 100 ha trên địa bàn xã An Thanh (Tứ Kỳ), xã An Đức (Ninh Giang), xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) và xã An Bình (Nam Sách) với 826 hộ tham gia.

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận các giống lúa thuần năng suất, chất lượng và đưa vào cơ cấu thời vụ của tỉnh như: ĐT34, ĐS1, Hương cốm 4, TBR1, TBR36, TBR225, QR1, HT6, Nàng xuân, Bắc thơm 7 KBL…đã làm phong phú thêm bộ giống lúa của tỉnh. Toàn tỉnh có rất nhiều mô hình lúa qui mô tối thiểu 10 - 30 ha/vùng, gieo cấy “1 vùng, 1 giống, 1 thời gian” gắn với bao tiêu sản phẩm, tăng tỷ lệ sử dụng giống có phẩm chất giống tốt (giống nguyên chủng, giống xác nhận); áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”. Tiếp nhận và làm chủ được công nghệ sản xuất ra giống cây trồng cho năng suất cao bằng công nghệ tiên tiến: tạo giống lúa bố mẹ 2 dòng, ba dòng, sản xuất lúa hạt lai F1 và thương phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt và kháng sâu bệnh.

Kết quả trồng vụ xuân năm 2020, giống lúa Đài thơm 8 có chiều cao cây từ  90 - 91,3 cm, đẻ nhánh khá, thời giansinh trưởng từ 125 - 132 ngày, sạch sâu bệnh, dạng hình cây gọn, cứng cây, thời gian sinh trưởng tương đương với giống Bắc thơm số 7, đẻ nhánh khá, số bông hữu hiệu đạt từ 3 - 6,2 bông/khóm, cao hơn giống đối chứng Bắc thơm số 7. Giống Đài thơm 8 đạt từ 220 - 279 bông/m2, 165,8 - 182,7 hạt/bông, 24,2 gram/1000 hạt, năng suất đạt từ 62,08 - 64,07 tạ/ha, cao hơn năng suất giống đối chứng Bắc thơm số 7 (51,43 tạ/ha) là 11,61 tạ/ha tương đương 22,57%.Giống Đài thơm 8 có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, đặc biệt là các loại sâu bệnh gây hại nguy hiểm như bệnh đạo ôn, rầy nâu trong điều kiện vụ xuân.

Vụ mùa năm 2020, giống Đài thơm 8 sinh trưởng phát triển tốt, có thời gian sinh trưởng từ 105 - 106 ngày, chiều cao cây từ 98 - 107 cm dạng hình cây gọn, cứng cây, đạt từ 4 - 5 bông/khóm, từ 98 - 225 bông/m2, 162,2 - 176,8 hạt/bông, đạt 22,7 gram/1000 hạt, sạch sâu bệnh. Năng suất đạt từ 58,82 - 62,62 tạ/ha, cao hơn năng suất giống đối chứng BT7 (49,75 tạ/ha) là 10,46 tạ/ha tương đương 21,02%.

Qua một năm thực hiện mô hình sản xuất lúa Đài thơm 8 trong vụ xuân và vụ mùa năm 2020 cho thấy ở tất cả các điểm đều thu được kết quả tốt, giống có tính thích nghi rộng, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại chính đặc biệt là bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu, hạt gạo thon dài, cơm mềm dẻo, có mùi thơm nhẹ, vị đậm ngon cơm. Giống Đài thơm 8 sinh trưởng tốt, kháng bệnh tốt hơn giống đối chứng, đặc biệt kháng bệnh bạc lá tốt hơn hẳn so với Bắc thơm 7 nên chi phí về thuốc bảo vệ thực vật và phun thuốc ít hơn. Dù giá hạt giống Đài thơm 8 cao hơn so với giống Bắc thơm số 7 nhưng tổng chi phí đầu tư sản xuất 1 ha giống Đài thơm 8 tương đương chi phí đầu tư sản xuất 1 ha giống Bắc thơm số 7. Năng suất trung bình tại các điểm tham gia mô hình đạt từ 60,21 - 63,04 tạ/ha, cao hơn năng suất của giống đối chứng Bắc thơm số 7 từ 18,41 - 21,02%. Lãi thuần giống Đài thơm 8 đạt 23.268.000 đồng/ha, cao hơn lãi thuần giống Bắc thơm số 7 (15.104.500 đồng/ha) là 15,4%.

Giống lúa Đài thơm 8 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức cho các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 1608/QĐ-BNN-TT ngày 10/5/2019và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào cơ cấu sản xuất lúa của tỉnh từ vụ mùa năm 2020 trong nhóm lúa chất lượng. Hiện nay giống lúa Đài Thơm 8 được nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn là giống chủ lực phục vụ quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng với tổng diện tích sản xuất đạt khoảng 2.300 ha trong vụ xuân năm 2021.

Bài của Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khảo nghiệm giống

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ số 4 ra tháng 8/2021


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây