Giống vải chín sớm PH40 bước đầu sinh trưởng và phát triển thuận lợi tại Hải Dương

Giống vải chín sớm PH40 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng quốc gia theo Quyết định số 5070/QĐ-BNN-TT ngày 31/12/2019. Đây là một giống mới có năng suất và chất lượng hơn các giống cùng trà.
Giống vải chín sớm PH40 bước đầu sinh trưởng và phát triển thuận lợi tại Hải Dương

Sau 2 năm, trồng thử nghiệm và ghép cải tạo trên gốc vải giống U Hồng tại tỉnh Bắc Giang và giống Hùng Long tại tỉnh Phú Thọ, cây đã cho quả đạt năng suất từ 15 - 20 kg/cây/năm đối với cây 5 năm tuổi và có tiềm năng cho năng suất cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Bước đầu các mô hình được ghép cải tạo bằng giống vải chín sớm PH40 cho hiệu quả cao hơn từ 30 - 40% so với các giống vải chín sớm như U Hồng, Hùng Long. Vì vậy, việc bổ sung vào cơ cấu giống vải PH40 có thể góp phần gia tăng tỷ trọng vải sớm, giảm áp lực cho thị trường vải chính vụ, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững ngành sản xuất vải của tỉnh.

Từ năm 2020 - 2023, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm ghép cải tạo bằng giống vải chín sớm PH40 trên địa bàn tỉnh Hải Dương” nhằm mục tiêu xây dựng được mô hình trồng giống vải chín sớm PH40 với quy mô 0,6 ha; mô hình ghép giống vải chín sớm PH40 trên vườn vải hiệu quả kinh tế thấp quy mô 2 ha. Hoàn thiện và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc và ghép giống vải chín sớm PH40 tại tỉnh Hải Dương.

Mô hình trồng mới giống vải chín sớm PH40 tại tỉnh Hải Dương, tổng diện tích 0,6 ha tương đương 240 cây được trồng từ ngày 25 - 30/8/2020, sử dụng cây giống là cành chiết. Trong đó, mô hình tại xã Lê Lợi (TP. Chí Linh) có diện tích 0,5 ha tương đương 200 cây với 4 hộ gia đình và mô hình tại xã Thanh Hồng (Thanh Hà) có diện tích 0,1 ha tương đương 40 cây của 1 hộ gia đình. Tỷ lệ sống của cây vải sau trồng tại 2 điểm khảo nghiệm đạt 100%, cây sinh trưởng và phát triển bình thường, không nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm.

Giống vải PH40 được đánh giá sinh trưởng mạnh hơn một số giống vải chín sớm đang được trồng chủ yếu tại tỉnh Hải Dương như U trứng, U hồng...Sau thời gian trồng 32 - 35 tháng cây sinh trưởng phát ổn định, có bộ khung tán cân đối. Tại TP. Chí Linh cây vải PH40 có chiều cao cây đạt 180,9 cm; đường kính tán 176,3 cm và đường kính gốc ghi nhận giá trị 3,61 cm. Cây vải PH40 trồng mới tại xã Thanh Hồng (Thanh Hà) có chiều cao cây trung bình là 186,4 cm; chỉ tiêu đường kính tán đạt 171,7 cm và đường kính gốc là 3,68 cm. Như vậy, có thể thấy mặc dù được trồng ở 2 địa điểm khác nhau, với 2 loại hình đất khác nhau nhưng cây vải PH40 phát triển tương đương nhau, chưa ghi nhận sự khác biệt nhiều. Sau trồng 30 - 35 tháng, số cây vải PH40 trồng mới ra hoa quả bói (đạt tỷ lệ 35%).

Năm 2020, đơn vị thực hiện đề tài đã tiến hành ghép cải tạo chuyển đổi 2 ha (800 cây) sang giống vải chín sớm PH40 tại thôn Đa Cốc, xã Lê Lợi (TP. Chí Linh) với số lượng 30 mắt ghép/cây. Nhưng do ảnh hưởng nắng nóng của thời tiết ở giai đoạn sau ghép đã ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của mắt ghép. Mặt khác, phần lớn diện tích vườn vải tại xã Lê Lợi đã nhiều năm không cho thu hoạch, do đó người dân không quan tâm đầu tư chăm sóc, dẫn đến cây cằn cỗi kém phát triển. Vì vậy, trong năm 2021 đã tiến hành ghép bổ sung số mắt ghép đối với 350 cây ghép năm 2020 và tiến hành ghép mới 450 cây (ghép vào tháng 5,6/2021) tại xã Lê Lợi.

Theo đánh giá đến tháng 3/2022 và tháng 5/2022 toàn bộ số cây ghép đều sinh trưởng phát triển tốt. Số lượng mắt còn sống trên cây đạt trung bình 24 mắt ghép (tỷ lệ mắt ghép còn sống đạt 80%). Chiều dài trung bình của cành ghép đạt 80 cm, đường kính đạt 2,3 cm. Vườn có khả năng bắt đầu cho quả vào năm 2023. Tuy nhiên, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất vườn nên một số hộ ở xã Lê Lợi đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Do vậy, trong số 450 cây vải ghép năm 2021, có 129 cây vải đã bị chủ hộ chặt bỏ. Để đảm bảo quy mô diện tích, đơn vị thực hiện đề tài đã ghép bổ sung 129 cây vải tại xã Hoàng Hoa Thám (TP. Chí Linh). Tính đến thời điểm tháng 12/2022, số cây vải ghép cải tạo tại xã Lê Lợi và xã Hoàng Hoa Thám có tỷ lệ mắt sống đạt 80 - 83% (24 - 25 mắt ghép/cây). Đến nay toàn bộ số vải ghép đều sinh trưởng và phát triển tốt, không nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm đối với cây vải.

Đến tháng 5/2023 đã có 296/800 cây vải ghép cải tạo đã ra hoa và bắt đầu cho thu hoạch quả, đạt tỷ lệ 37%. Trong đó cây vải ghép tại xã Lê Lợi có đường kính cành ghép đạt 3,25 cm, mức độ tiếp hợp giữa cành ghép và cành gốc ghép là 0,95, không xảy ra hiện tượng chân voi hoặc chân hương ở cành ghép. Tại xã Hoàng Hoa Thám, cây vải ghép có đường kính cành ghép là 2,4 cm và mức độ tiếp hợp giữa cành ghép và cành gốc ghép là 0,8.

Qua gần 3 năm thực hiện mô hình ghép cải tạo giống vải chín sớm PH40 cho thấy, cây sinh trưởng mạnh hơn một số giống vải chín sớm đang được trồng tại Hải Dương như U Trứng, U Hồng… chiều cao cây từ 174,6 - 178,8 cm, đường kính tán từ 164,28 - 165,86 cm, đường kính gốc từ 3,38 - 3,44 cm. Trong năm 2023, đã có 85/240 cây, đạt tỷ lệ 35% số cây vải PH 40 trồng mới ra hoa quả bói. Mô hình trồng mới đã xuất hiện 3 loại sâu hại gồm bọ xít, sâu ăn lá, nhện lông nhung gây hại ở mức độ nhẹ.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 7 năm 2023

 

 

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập169
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,086,301
  • Tổng lượt truy cập3,791,505
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây