Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân địa phương khai thác hết tiềm năng, nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác, mà còn nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm cây trồng, khắc phục thời tiết bất thuận khi gieo cấy, đảm bảo kịp thời vụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất, là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Cơ giới hóa khâu sản xuất mạ và cấy bằng máy giúp chủ động việc sản xuất mạ, ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giải quyết khâu làm mạ manh mún phân tán, khó chăm sóc, tốn nhiều công lao động cho việc làm mạ theo cách thông thường, đồng thời giải quyết vấn đề thiếu lao động nông nghiệp trong lúc thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất lúa góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình tổ chức dịch vụ ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa tại Hải Dương” tại phường Thái Học (TP. Chí Linh), xã Phạm Kha (Thanh Miện), xã Định Sơn (Cẩm Giàng) với 30 hộ tham gia. Nhằmứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất (giống, công lao động, vật tư…) tăng thu nhập cho người sản xuất; Phát triển bền vững mô hình tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Trong 3 năm dự án đã xây dựng 03 mô hình tại phường Thái Học (TP. Chí Linh), xã Phạm Kha (Thanh Miện), xã Định Sơn (Cẩm Giàng) với 30 hộ tham gia tổ chức quản lý sản xuất, dịch vụ cơ giới hóa khâu mạ khay, cấy máy. Tại mỗi mô hình trên cơ sở các hộ tham gia góp vốn đối ứng mua sắm máy, thiết bị để tham gia mô hình (khoảng 10 thành viên/tổ/mô hình) sẽ hợp tác với nhau xây dựng mô hình tổ chức dịch vụ cơ gới hóa, quản lý máy móc, thiết bị của mô hình; thực hiện gieo cấy lúa cho diện tích của mô hình và làm dịch vụ cho bà con trong vùng.
Mô hình đã sử dụng các giống lúa thuần như BC15, giống Nếp hương và Nếp 415 được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Hồng Quang;Công ty TNHH Mầm Vàng. Dự án đã hỗ trợ cho người dân tham gia mô hình tổng số lượng giống sử dụng là 3.675 kg (lượng hạt giống được sử dụng 35 kg/ha/vụ).
Kết quả, các tổ dịch vụ đã đầu tư kinh phí sản xuất được 176.250 khay mạ để cấy cho diện tích 705 ha, mạ được gieo bằng máy gieo hạt nên tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân công, mật độ đồng đều, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh. Các thửa ruộng rộng nên diện tích các góc ruộng máy phải quay đầu ít nên tỷ lệ dặm đầu góc ruộng không đáng kế chiếm khoảng 0,2% trên tổng diện tích. Do chất lượng đồng ruộng như độ rộng của thửa ruộng, đất ruộng được làm kỹ, san phẳng và để lắng bùn 2 - 3 ngày, cộng thêm mạ được sản xuất và chăm sóc đạt tiêu chuẩn, máy cấy có chất lượng tốt nên cây lúa sau khi cấy rất đứng cây, gọn khóm và ít bị mất khoảng vì vậy diện tích phải dặm ít. Mật độ cấy ở các điểm triển khai được điều chỉnh 30 x 18 - 21 (tương đương 15 - 18 khóm/m2) tùy theo giống. Độ sâu cấy máy điều chỉnh từ 2 - 4 cm, ruộng bùn loãng cấy nông, ruộng bùn đặc cấy sâu.
Khi cấy xong 02 ngày đối với vụ xuân, 3 - 4 ngày đối với vụ mùa, lúa bén rễ, hồi xanh cho nước vào ruộng mực nước 1 - 2 cm đồng thời tiến hành phun thuốc trừ cỏ, bón phân để lúa đẻ nhánh. Lúa trong mô hình cấy máy với mật độ cấy thưa hơn so với cấy tay (cấy máy mật độ khoảng 15 - 18 khóm/m2, cấy tay mật độ 35 khóm/m2) vì vậy quần thể ruộng lúa thông thoáng, ánh sáng mặt trời chiếu vào sâu bên trong ruộng lúa nên cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe hơn, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh gây hại thấp hơn so với lúa cấy tay. Lúa cấy máy giảm 01 lần phun so với lúa cấy tay đồng thời mật độ sâu bệnh xuất hiện trên lúa cấy máy cũng giảm hơn so với lúa cấy tay đặc biệt là hạn chế chuột phá hại. Lúa cấy máy mặc dù mật độ cấy thưa hơn so với lúa cấy tay nhưng khả năng đẻ nhánh và tỷ lệ thành bông cao hơn so với lúa cấy tay thông thường hoặc gieo thẳng.
Cây lúa cấy bằng máy mật độ thưa (18 khóm/m2) trong vụ mùa năm 2021, phường Thái Học (TP. Chí Linh) cho số bông hữu hiệu, số hạt chắc trên bông cao và tỷ lệ hạt lép thấp, năng suất của giống lúa BC 15 cấy bằng máy đạt 68,1 tạ/ha (tương đương 245 kg/sào) ở vụ mùa, cao hơn đối chứng từ 4,4 tạ/ha, tăng 6,9%. Giống lúa Nếp Hương tại xã Phạm Kha (Thanh Miện) vụ xuân năm 2022 cấy bằng máy đạt 68,1 tạ/ha (tương đương 245 kg/sào) ở vụ xuân, cao hơn đối chứng từ 3,8 tạ/ha, tăng 5,95%. Giống lúa Nếp 415 xã Định Sơn (Cẩm Giàng), vụ xuân năm 2023 cấy bằng máy đạt 58,3 tạ/ha (tương đương 210 kg/sào) ở vụ xuân, cao hơn đối chứng 1,4 tạ/ha, tăng 2,46%.
Sau 03 năm thực hiện dự án thành lập được 03 tổ hợp tác dịch vụ sản xuất mạ khay, ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa, quy mô mô hình triển khai 105 ha. Trong 3 năm sẽ thực hiện gieo cấy cho 385 ha diện tích cấy máy trong dự án, ngoài ra tổ dịch vụ còn thực hiện cấy cho các hộ ngoài dự án được 320 ha, tổng cả trong và ngoài dự án 705 ha. Lượng giống lúa tiết kiệm được khoảng10,57tấn hạt giốnggiúp tiết kiệm 30% chi phí giốngcho người sản xuất lúa, giảm chi phí lao động, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Qua ba năm thực hiện dự án kết quả đều tăng hơn so với đối chứng (gieo thẳng, mạ sân cấy bằng tay) trung bình 6.230.130 đồng/ha, tăng khoảng 52%. Các tổ hợp tác này hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào công cuộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng lúc thời vụ, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa.
Dự án đã chuyển giao ứng dụng sản xuất mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa giúp hình thành các tổ hợp tác dịch vụ chuyên cung ứng các dịch vụ về mạ khay và cấy máy, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp góp phần tích cực vào công cuộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng lúc thời vụ, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quảsang cơ giới hóa, hiện đại hóa; giúp người dân tăng thu nhập trong làm dịch vụ, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài của Hải Đăng
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023